(Báo Quảng Ngãi)- Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, gồm nhiều nội dung liên quan đến mức sinh, sức khỏe sinh sản... Trong đó, nội dung khuyến khích cần thí điểm thuộc các nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên thực hiện là, khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Mốc thời gian” 30 tuổi
Những ngày qua, khi nghe thông tin về Quyết định 588, nhiều người rất quan tâm trước thông tin Thủ tướng Chính phủ khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi. Trong đó, một số người trẻ hào hứng chia sẻ trên mạng xã hội rằng, trước khi có quyết định, mình đã hoàn thành kế hoạch kết hôn và sinh con trước 30 tuổi.
Nhiều người cho rằng, kết hôn trước 30 tuổi sẽ giúp ổn định gia đình, công việc, kinh tế. (ảnh minh họa) |
Chia sẻ về vấn đề kết hôn, chị Lê Mỹ Hạnh (1989), ở phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) cho hay: Tôi kết hôn năm 25 tuổi, đến cuối năm, sinh một bé gái, hai năm sau sinh thêm một bé trai. Sau đó, hai vợ chồng tập trung nuôi con và lo phát triển kinh tế gia đình. Việc kết hôn trước 30 tuổi giúp tôi ổn định về gia đình, con cái. Đối với phụ nữ, sinh con trước 30 tuổi sẽ đảm bảo sức khỏe, thời gian hồi phục sau sinh nhanh, vì lúc này cơ thể còn khỏe mạnh. Còn với nam giới, tôi nghĩ lập gia đình trước 30 tuổi, giúp họ chín chắn hơn, tập trung công việc, từ đó nhiều người có cơ hội thành công hơn”.
Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn về việc kết hôn trước 30 tuổi, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện, công việc, gia đình và nhất là tìm được người bạn đời phù hợp. Ngoài ra, vấn đề quan trọng nữa là việc duy trì cuộc sống sau hôn nhân như thế nào.
Vừa bước qua ngưỡng tuổi 30, anh Đ.V.H.L, ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) bộc bạch: “Tuổi 30 là mốc thời gian mà nhiều ông bà, cha mẹ thường mong muốn con cháu lập gia đình. Cho nên khi bước qua tuổi này, nhiều người sẽ có tâm lý tìm một ai đó để cưới mà ít khi quan tâm đến cảm xúc của mình. Với tôi, khi nào bản thân cảm thấy đủ yêu thương và chín chắn, sẵn sàng chịu trách nhiệm để lo cho gia đình, thì mới nên kết hôn”.
Phụ nữ nên sinh con trước 35 tuổi
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lê Cao Tuấn, nhiều Hiệp hội Sản phụ khoa trên thế giới đã khuyến cáo độ tuổi phù hợp để sinh đẻ từ 20 - 34 tuổi; trong đó, độ tuổi dễ có thai là từ 20 - 24 tuổi. Đối với phụ nữ, chức năng buồng trứng giảm dần theo thời gian, nhất là ở tuổi 35, sau 45 tuổi việc mang thai còn khó khăn hơn.
“Xét về độ tuổi từ 20 - 24, lúc này tâm lý, tài chính của nhiều bạn trẻ, nhất là phía nữ chưa ổn định để chuẩn bị cho việc mang thai, dẫn đến chăm sóc em bé sau sinh có thể chưa tốt. Còn từ 25 - 34 tuổi, nhiều người ổn định tâm lý, kinh tế chuẩn bị tốt hơn cho quá trình mang thai và chăm sóc con nhỏ. Còn đối với việc mang thai quá sớm (trước 20 tuổi) và mang thai quá muộn (sau 35 tuổi) có thể khiến phụ nữ gặp nhiều vấn đề trong thời gian mang thai, nhất là sau 35 tuổi gặp các biến chứng thai kỳ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Mang thai sau 35 tuổi, nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể ở em bé càng cao. Theo các nghiên cứu, thì xác suất xảy ra bất thường nhiễm sắc thể như tuổi 25 là 1/1.250, 30 tuổi là 1/952, trên 35 tuổi là 1/378, còn trên 45 tuổi là 1/30”, bác sĩ Lê Cao Tuấn cho biết.
Các bác sĩ chuyên khoa sản khuyến cáo trong thời gian mang thai, phụ nữ cần khám thai định kỳ, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc bệnh lý trong thời gian mang thai giúp bác sĩ tầm soát thai kỳ. Tốt nhất trước khi kết hôn, các cặp đôi nên khám tiền hôn nhân để được kiểm tra sức khỏe, tư vấn trước khi kết hôn và mang thai.
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO