(Báo Quảng Ngãi)- Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” chưa được loại bỏ là nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo lực gia đình (BLGĐ). Khi đó, hầu hết người bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em. Vì thế, xây dựng các mô hình để nam giới cùng tham gia, để loại bỏ dần BLGĐ là rất cần thiết.
Nạn nhân chủ yếu là nữ
Theo nghiên cứu về thực trạng BLGĐ đối với phụ nữ của Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), có 58% phụ nữ kết hôn từng bị ít nhất một trong ba loại bạo lực, gồm thể xác, tình dục và tinh thần. Từ năm 2011 - 2015, có 157.859 vụ BLGĐ được phát hiện. Trong đó có trên 74% số vụ mà nạn nhân là phụ nữ 16 - 29 tuổi. Hằng năm, trên 80% số vụ ly hôn có nguyên nhân từ BLGĐ.
|
Phụ nữ tham gia vẽ tranh cổ động tại Lễ phát động Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới năm 2019. |
Đối với Quảng Ngãi, từ năm 2008 - 2018 đã phát hiện 3.600 vụ BLGĐ. Trong đó có 2.400 vụ bạo lực thể xác, 800 vụ bạo lực tinh thần. Nam giới gây ra bạo lực chiếm đến 87%. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn cho rằng: “Thời gian qua, nhiều mô hình phòng, chống BLGĐ đã phát huy tác dụng. Thế nhưng, BLGĐ vẫn còn xảy ra vì nhiều nguyên nhân.
Có một số địa phương vẫn xem BLGĐ là chuyện riêng của gia đình, ít áp dụng những quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống, ngăn ngừa từ sớm. Trong khi đó, nạn nhân bị bạo lực do xấu hổ không dám tố cáo hành vi bạo lực. Còn khi các vụ việc liên quan đến BLGĐ xảy ra, cách xử lý ở địa phương chủ yếu là hòa giải”.
Quảng Ngãi hiện đã xây dựng và duy trì 472 “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng; 6 mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”; 1.731 câu lạc bộ, mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt với hơn 1.852 thành viên tham gia. |
Nạn nhân của các vụ BLGĐ phần lớn là nữ giới và người chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là những đứa trẻ trong gia đình. Sự phát triển của trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ vấn nạn BLGĐ. Do đó, việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật tiến tới xóa bỏ định kiến giới hiệu quả cần được thực hiện thông qua các mô hình có những người chồng, người cha tham gia.
Phát huy hiệu quả của mô hình
Tại huyện Nghĩa Hành, việc phòng, chống BLGĐ lồng ghép trong xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Ban đầu, huyện xây dựng thí điểm “Địa chỉ tin cậy” tại xã Hành Trung.
Sau đó, các xã khác của Nghĩa Hành nhân rộng, xây dựng mô hình tại địa phương mình. Đến nay, toàn huyện đã có 46 mô hình đang hoạt động hiệu quả, trợ giúp cho các nạn nhân bị BLGĐ.
Với TP.Quảng Ngãi, xã Nghĩa An là địa phương đầu tiên xây dựng mô hình “Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”. Thành viên tham gia mô hình là các cặp vợ chồng, đặc biệt là vận động những cặp vợ chồng có dấu hiệu mâu thuẫn, BLGĐ cùng tham gia. Mô hình này đã hoạt động 7 năm và được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
“Hội LHPN các cấp khi tuyên truyền chính sách pháp luật ở cơ sở liên quan đến hôn nhân, gia đình, ngoài hội viên là phụ nữ tham gia, các ông chồng cũng được vận động cùng tham gia. Nếu chỉ phụ nữ nói phụ nữ nghe thì chẳng có tác dụng là bao. Chỉ khi người đàn ông nghe và hiểu, thì vấn đề định kiến giới mới được giải quyết”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na cho biết.
Các cấp hội trong tỉnh cũng đã vào cuộc xây dựng nhiều mô hình riêng, góp phần xây dựng gia đình văn hóa; phòng chống BLGĐ. Như Hội LHPN với phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không 3 sạch”; hội nông dân với phong trào “Gia đình nông dân hạnh phúc”; hội cựu chiến binh xây dựng “Gia đình hội viên gương mẫu”; hội người cao tuổi có phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”...
Các câu lạc bộ, phong trào có sự tham gia tích cực của hội viên giúp cho việc đưa chính sách pháp luật về hôn nhân, gia đình thật sự đến với người dân, góp phần hành động vì một xã hội không BLGĐ.
Bài, ảnh: VŨ YẾN