Cháy rừng liên tiếp: Nỗi lo từ yếu tố tự nhiên và con người

09:07, 20/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 37 vụ cháy rừng, làm 1 người chết và thiệt hại trên 120ha rừng. Ngoài việc nắng nóng gay gắt kéo dài, thì nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy rừng là do sự bất cẩn của con người.

TIN LIÊN QUAN

Thiên nhiên bất lợi

Tháng 6.2019, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ liên tục xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, tại một số địa phương liên tiếp ghi nhận nhiệt độ đạt kỷ lục cao nhất trong lịch sử, với trên 4300C.

Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chất lượng rừng tại miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đang suy giảm, với 7% rừng nguyên sinh,  trong khi rừng thứ sinh (chủ yếu là rừng keo) nghèo kiệt, lại dễ “bén lửa” hiện đang chiếm gần 70%, trong tổng diện tích rừng trong cả nước.

Hầu hết khu vực xảy ra cháy rừng là địa hình hiểm trở, xe phòng cháy chữa cháy không tiếp cận, nên việc dập tắt đám cháy chủ yếu bằng phương pháp thủ công.
Hầu hết khu vực xảy ra cháy rừng là địa hình hiểm trở, xe phòng cháy chữa cháy không tiếp cận, nên việc dập tắt đám cháy chủ yếu bằng phương pháp thủ công.

Vì vậy, nhiều diện tích rừng trồng không được chăm sóc đúng cách, cũng có thể bốc cháy khi gặp tàn thuốc lá hoặc tia lửa nhỏ. Đơn cử như vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra tại xã Phổ Cường, Phổ Thạnh (Đức Phổ) vào ngày 30.6, khiến 25ha rừng (trong đó có 8ha keo nguyên liệu) bị thiêu rụi hoàn toàn.

Mặc dù cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xác định cụ thể nguyên nhân đám cháy, nhưng theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Đại thì: “Không loại trừ khả năng đám cháy bùng phát là do nắng nóng quá gay gắt và kéo dài, vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh phát nổ và gây bén lửa. Bởi quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện “vệt” lửa phát ra ở giữa rừng, chứ không phải bìa rừng, và cũng không có dấu hiệu của việc người dân đốt thực bì”.
 
Con người bất cẩn


Bên cạnh yếu tố thiên nhiên, các vụ cháy rừng xảy ra phần lớn do sự bất cẩn của con người. Đó là tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ở miền núi và đốt rơm rạ ở đồng bằng, đốt thực bì, đốt rác trong vườn cạnh khu rừng trồng, hun khói để lấy mật ong...

Trong vụ cháy rừng ở xã Sơn Nham (Sơn Hà) vào ngày 22.6, gây thiệt hại 15ha rừng, yếu tố con người được thể hiện rất rõ ràng. Đó là do đốt thực bì. Trời nắng nóng, cộng với gió Tây Nam thổi mạnh, khiến đám cháy bùng phát và lây lan dữ dội, thiêu rụi 15ha rừng. Hiện đối tượng gây cháy rừng đang được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Hay như vụ cháy rừng tại xã Bình Nguyên, Bình Mỹ (Bình Sơn) vào ngày 30.4  -  1.5, cũng bắt nguồn từ thói quen đốt thực bì của người dân, nhưng không thực hiện các biện pháp nhằm cách ly đám cháy, khiến lửa lây lan nhanh. Hậu quả, không chỉ hàng chục hécta rừng bị thiêu rụi, mà còn làm 1 người tử vong, do bị ngạt trong quá trình tham gia dập tắt đám cháy.

Hoặc vụ cháy rừng giáp ranh tại xã Phổ Phong (Đức Phổ) và xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), vào rạng sáng ngày 11.7. Mặc dù chưa xác định chính xác nguyên nhân, nhưng khu vực này thường được người dân “nhóm lửa” để đốt than!

Thiết nghĩ, để PCCR hiệu quả, bên cạnh việc giáo dục ý thức PCCR cho người dân, tăng cường công tác tuần tra và bảo vệ rừng, cần xây dựng lực lượng PCCR chuyên nghiệp, cũng như đầu tư phương tiện PCCR phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo xử lý nhanh vụ cháy, hạn chế thiệt hại.

Bài, ảnh: MỸ HOA


.