Trẻ khuyết tật: Cần phát hiện và can thiệp sớm

09:10, 29/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với trẻ khuyết tật (TKT), nếu can thiệp trong giai đoạn từ 0 - 5 tuổi sẽ rất tốt, vì có điều kiện để phát triển tâm lý, hình thành thói quen, kỹ năng cá nhân và xã hội tích cực...

TIN LIÊN QUAN

Cơ hội cho trẻ khuyết tật

Khi vừa chào đời, bé N.T.H, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) được chẩn đoán bị khiếm thính. Bố mẹ H đã lắp máy trợ thính cho em. Tuy nhiên, đến lúc em 5 tuổi, khả năng nghe của em vẫn không thể cải thiện và nói cũng chưa hoàn thiện.

Tháng 9.2017, H được đưa đến can thiệp tại Cơ sở chăm sóc và giáo dục TKT Hiếu Thuận ở phường Nghĩa Lộ. Sau gần một năm giáo viên tập luyện, tư vấn, đồng thời hướng dẫn cho người thân cách chăm sóc, nên năm học 2018-2019, em H đã theo học và hòa nhập với bạn bè ở một trường tiểu học.

 

Một buổi học của trẻ tự kỷ tại Cơ sở Hiếu Thuận.
Một buổi học của trẻ tự kỷ tại Cơ sở Hiếu Thuận.

Để duy trì những bài tập thính lực, ngoài việc phải thường xuyên đeo máy trợ thính, bé H vẫn phải được tư vấn và chăm sóc tại cơ sở Hiếu Thuận. Chị T. mẹ bé H cho biết: “Sau khi được cơ sở Hiếu Thuận can thiệp, cháu đã có những tiến bộ trong việc nghe, phát âm rõ ràng và tập trung hơn. Gia đình tôi rất vui”.

Không riêng gì trẻ khiếm thính, đối với trẻ khuyết tật vận động, chậm phát triển, tự kỷ... nếu được can thiệp sớm sẽ giúp gia đình xác định sớm các chương trình giáo dục, y tế thích hợp nhất cho nhu cầu của từng trẻ. Tùy thuộc vào mức độ từng loại tật, trẻ được áp dụng những chương trình riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập sau này.

Còn nhiều hạn chế

Hiện nay, số lượng các trung tâm, hay cơ sở thực hiện việc điều trị và nuôi dạy TKT ở Quảng Ngãi còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Nhiều gia đình đưa con đi điều trị ở các tỉnh khác phải chịu chi phí quá cao, thời gian điều trị dài.

Chị N.T.K có con trai là cháu K (11 tuổi) bị tự kỷ tăng động và có hành vi xâm hại bản thân. Chị K cho biết: “Tôi đưa cháu đi điều trị ở Hà Nội, Đà Nẵng một thời gian nhưng tình trạng của cháu không tiến triển, do bị ngắt quãng. Kinh phí điều trị ở các tỉnh khác khá cao. Đến các trung tâm trong tỉnh thì không nhận, vì hết chỉ tiêu”. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều gia đình có con khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là, ngoài sự hỗ trợ về mặt vật chất, kỹ thuật trong quá trình can thiệp sớm, thì chính thái độ, tinh thần của phụ huynh sẽ tác động rất lớn đến việc hình thành, phát triển cũng như các kỹ năng của trẻ. Tuy nhiên, một số gia đình có tình trạng không chấp nhận việc con em bị khuyết tật, cảm thấy xấu hổ... Điều đó ảnh hưởng đến việc điều trị và không có lợi cho trẻ.

Phó Giám đốc Trung tâm can thiệp sớm và giáo dục TKT Tâm Việt Trần Thị Thu Thủy cho biết: “Hiện nay, công tác tuyên truyền về can thiệp sớm đối với TKT chưa đến với người dân vùng sâu, vùng xa. Nhiều phụ huynh chưa hiểu hết ý nghĩa của việc can thiệp sớm. Tôi mong rằng, các gia đình có TKT nên hiểu rằng, can thiệp sớm đối với TKT ngoài việc giảm gánh nặng về tài chính trong việc chữa trị, thì sự hỗ trợ của các chuyên gia còn giúp cha mẹ thoải mái về mặt tâm lý, nắm được các kiến thức, kỹ năng đặc thù để chăm sóc và giáo dục, giúp trẻ sớm hòa nhập với cộng đồng”.
 
Hằng năm, Trung tâm Hỗ trợ phát triển và giáo dục hòa nhập tỉnh chỉ nhận từ 20 đến 25 học sinh. Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Nghĩa Hành) cũng chỉ có quy mô từ 35-40 trẻ/năm. Cơ sở Hiếu Thuận hiện có 35 trẻ theo học, trong đó có 15 trẻ đang được điều trị can thiệp theo giờ và 20 trẻ học bán trú với nhiều dạng tật, như khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, tăng động giảm chú ý…

Hay như Trung tâm Can thiệp sớm và giáo dục TKT Tâm Việt, ở đường Hùng Vương (TP.Quảng Ngãi) chỉ mới đi vào hoạt động từ tháng 7.2018, nhưng cũng đã tiếp nhận 40 TKT. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với tổng số TKT trên địa bàn tỉnh là gần 7.000 em.

 


Bài, ảnh: VŨ YẾN



 


.