Cô giáo trẻ hết lòng vì trẻ khuyết tật

12:12, 09/12/2017
.

(Baoquangngai.vn) - Ngày mới tốt nghiệp trung học phổ thông; trước khi bước vào đại học, cô gái trẻ Trần Thị Thy cũng ấp ủ nhiều ước mơ như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng rồi, với trái tim nhân ái, đồng cảm với các em nhỏ khuyết tật, Thy đã lựa chọn trở thành một giáo viên dạy các em bị khiếm thính.

Mối “lương duyên” không thể dứt bỏ

Ghé thăm Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh; khác hẳn với không khí lạnh buốt dưới cơn mưa đầu mùa Đông là tiếng cười nói ấm áp; vui vẻ của những đứa trẻ “đặc biệt”. Trên góc trái của lớp có một nữ giáo viên liên tục giao tiếp với các em nhỏ bằng ngôn ngữ ký hiệu. Đó là cô giáo Thy.

Thy sinh ra trong một gia đình thuần nông, tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt:  Trường Đại học Sư phạm Qui Nhơn. Cô đến với nghề nuôi dạy trẻ khuyết tật như một mối lương duyên.

Cô Thy chia sẻ; ngày quyết định thi vào khoa Giáo dục đặc biệt; cả nhà ai cũng lên tiếng phản đối. Bởi lẽ, nghề giáo học sinh bình thường đã bạc trắng màu phấn, hơn nữa đây lại là những đứa học trò khuyết tật. 

Thế nhưng, cứ nghĩ tới những nụ cười thơ ngây, những đôi mắt trong veo khao khát đến tội nghiệp của lũ trẻ trong đợt kiến tập ở trường Hy vọng (Quy Nhơn) thì lòng cô cứ xôn xao. Kể từ đó, cô biết mình có một mối lương duyên chẳng thế dứt bỏ với những đứa trẻ ấy.

DSFFFFFFFFFFFF
Tương lai của những đứa trẻ bất hạnh là điều luôn thôi thúc Thy tiếp tục gắn bó với nghề.

Cứ thế, suốt 4 năm ngồi trên ghế nhà trường, cô miệt mài đèn sách chỉ ước muốn có thể giúp đỡ những đứa trẻ khuyết tật bơ vơ, sống tách biệt có thể hòa nhập vào cuộc sống. Tốt nghiệp, cô xin về giảng dạy ở Trường khuyết tật tỉnh nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh.

“Khi tiếp nhận học sinh, trực tiếp đứng lớp, mình mới hiểu rõ từ “đặc biệt” là như thế nào và thực sự cảm thấy sợ”, cô Thy nhớ lại. Tuy nhiên, cảm giác sợ hãi đó nhanh chóng được thay bằng cảm giác yêu thương và muốn được bù đắp.

Nhiều khi các con không viết được, các con liền la hét om sòm và xé nát sách vở, thậm chí đánh bạn, ném đồ dùng học tập vào người Thy. Thấu hiểu "thế giới lặng", sư hung dữ của những đứa trẻ bất thường không thể nói và bày tỏ suy nghĩ của mình, Thy chẳng thể nổi giận, vẫn ánh mắt dịu dàng và cử chỉ ân cần để cảm hóa trẻ. Quả thật là trời không phụ lòng người, các em dần dà quen và xem Thy như  người mẹ, từ đó Thy càng tự tin hơn khi đứng lớp.

Hơn cả tình thương yêu

Cô giáo trẻ hướng đôi mắt về phí những đứa học trò nhỏ đang mải mê chơi đùa và nói: “Tội nghiệp các con, có những trẻ hoàn cảnh  gia đình khó khăn, ba mẹ phải đi làm ăn xa, trẻ ở nhà với ông bà nội, thiếu thốn tình cảm, bàn tay săn sóc mẹ. Bởi vậy, bản thân mình và các thầy cô giáo ở đây đều hết lòng vì các em”.

Cô Nguyễn Thị Nhi - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh chia sẻ, cô Thy tuổi còn rất trẻ nhưng luôn nhiệt tình, gương mẫu và rất yêu thương trẻ. Ngoài thời gian lên lớp, Thy tự mày mò trên mạng xã hội về ngôn ngữ dành cho trẻ khiếm thính. Đến nay, không chỉ thuần thục mà Thy còn truyền dạy lại cho các cháu bị câm điếc bẩm sinh.  

Ở tuổi 30, với một gia đình có hai con nhỏ, chồng làm giáo viên dạy trẻ khuyết tật nên Thy phải gửi cho ông bà chăm sóc.

Kể đến các con, người mẹ trẻ xúc động trải lòng, với nghề dạy trẻ khuyết tật nhiều khi chăm con người khác hơn cả con mình nữa. Có lần, phải đưa cậu học trò về nhà vì không thấy phụ huynh đến đón trẻ. Khi về đến nhà, trời đã khuya, cháu thứ hai không nhận ra mẹ cứ đòi bà ôm. Nhưng em nghĩ, các con ở Trung tâm thiệt thòi nhiều lắm, dù sao con của mình cũng còn có bố mẹ, ông bà. Vì vậy, cho đến nay, em vẫn quyết tâm gắn bó với trẻ, theo lớp để dạy dỗ các em từ con chữ, nếp sống để các em vượt qua mặc cảm, hòa nhập tốt với cộng đồng”.
 
"Mình còn nhớ, có một lần chốt cửa ra vào bị hỏng. Vì thế, cứ mỗi khi trời trở gió cửa lại đóng sập gây hoảng sợ cho các con, mấy lần nghĩ bụng nhờ anh bảo vệ sửa giúp mà bận nhiều việc nên quên. Lạ thay hôm sau thấy một chiếc dép màu xanh của ai đó kẹp dưới khe cửa. Mình thắc mắc trong đầu, ngoài mình làm gì có ai biết chốt cửa bị hỏng đâu mà kê. Lúc vào lớp, mình sững sờ khi thấy đôi chân của một cậu học trò nhỏ mất đi một chiếc dép màu xanh. Hóa ra, chính cậu học trò nhỏ của mình đã dùng dép để kê chốt cửa. Đó có lẽ là giây phút mình hạnh phúc nhất vì mình biết đã có một chỗ đứng trong lòng các con, vì các con, cố gắng bao nhiêu cũng không mệt mỏi" - đôi mắt Thy rưng rưng. 
 
Có lẽ từ những việc làm thầm lặng, những đôi mắt lanh lẹ đáng yêu ú ớ gọi từng tiếng chậm rãi "con - chào - cô!" là điều khiến cô giáo Thy nguyện gắn kết cuộc đời mình với những đứa trẻ "đặc biệt" này.

Bài, ảnh: P.TIÊN

 


.