Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18.4:
Nỗ lực đào tạo nghề cho trẻ khuyết tật

02:04, 18/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhờ được đào tạo ở các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, hàng trăm em ra trường có việc làm, ổn định cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.

TIN LIÊN QUAN

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh nhiều năm qua không chỉ là nơi nuôi dưỡng, giáo dục, mà còn dạy nghề cho hàng nghìn học sinh khuyết tật, hỗ trợ tìm việc làm. Đến đây, chứng kiến các em tỉ mỉ tưới rau, cắt cành, chăm sóc hoa quả trong vườn do các em trồng, ai cũng cảm động. Bởi đối với các em, tự mình làm ra sản phẩm nông nghiệp bằng mồ hôi công sức là cả một quá trình cố gắng.

Sản phẩm rau sạch giúp các em có thêm bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, đồng thời hướng nghiệp để các em có thể phụ giúp gia đình. Còn tại lớp may, hiện cũng có rất nhiều trẻ khiếm thính đang theo học.   

Giáo viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn hướng dẫn cho học sinh khuyết tật học nghề.
Giáo viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn hướng dẫn cho học sinh khuyết tật học nghề.


Không chỉ có học sinh ở trung tâm, mà có nhiều thanh thiếu niên khuyết tật bên ngoài cũng được trung tâm tạo điều kiện hướng nghiệp dạy nghề. “Nhà trường đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề, mở hàng chục lớp như may công nghiệp, photoshop-chụp ảnh, thêu, làm hoa, nghề thủ công mỹ nghệ...

Có trên 90% trẻ khiếm thính sau khi ra trường có việc làm ổn định. Trong đó có 30 em học sinh khiếm thính của trung tâm vào làm việc tại Công ty Vinatex, với mức lương ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng”, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Trương Quang Nghĩa cho biết.

Tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, nhiều em được dạy nghề, có việc làm ổn định. Như trường hợp của em Nguyễn Thị Kim Ngân, sau khi hoàn thành khóa học văn hóa cho học sinh khiếm thính, nhờ giúp đỡ của các giáo viên, Ngân nỗ lực học nghề. Sau khi ra trường, nhờ có tay nghề khá, nên em được trung tâm giữ lại làm việc. Với thu nhập hơn 4 triệu/tháng đã giúp em trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình.

Được hình thành từ sự chung tay góp sức của nhiều cá nhân hảo tâm, đến nay Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn là “cái nôi” nuôi dưỡng, giáo dục nhiều em nhỏ khuyết tật. Hằng năm, trung tâm mở các lớp may công nghiệp, đào tạo các nghề thủ công mỹ nghệ giúp các em có việc làm, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, đơn vị còn liên kết với các tổ chức cá nhân, tìm đầu ra cho sản phẩm do các em khuyết tật làm.

Để người khuyết tật (NKT) không là gánh nặng của gia đình và xã hội, thì dạy nghề, tạo việc làm cho họ là hết sức cần thiết. Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, toàn tỉnh có trên 53 nghìn NKT, trong đó có trên 12 nghìn người cần giúp đỡ. Tuy nhiên, mỗi năm tỉnh chỉ đào tạo nghề cho gần 100 người, còn quá ít so với nhu cầu của NKT. Đặc biệt, NKT chậm phát triển trí tuệ hiện khó có cơ hội tìm việc làm ổn định. Cơ hội để NKT tiếp cận với các doanh nghiệp vẫn còn rất ít. Điều này đòi hỏi cần có sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ NKT của cả cộng đồng.


 Bài, ảnh: KIM NGÂN


 


.