(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có gần 200km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, công tác xử lý đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người dân có nhà ở sát biển Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn) đã và đang sống chung với tình trạng biển xâm thực gần chục năm nay. Đợt triều cường cao vào năm 2009 khiến đất đai và 5 ngôi nhà ở đây bị sóng đánh sập. Bên cạnh những vết tích còn sót lại của những ngôi nhà nằm sát biển bị sóng biển xâm thực, đánh sập, người dân Lệ Thủy tiếp tục bám làng, trồng dương liễu chắn sóng, giữ đất để chờ đến ngày được xây dựng kè chắn sóng ven biển, nhưng niềm mong mỏi đó đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Bờ biển thôn An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn) thường xuyên bị triều cường xâm thực. |
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 170km bờ sông và khoảng 30km bờ biển bị sạt lở. Các điểm sạt lở đều trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, với mức độ sạt lở bình quân theo chiều ngang từ 5 – 10m, có nơi lên đến 30m, tập trung ở các địa phương ven biển và ven các con sông lớn của tỉnh như: Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ và Trà Câu.
Toàn tỉnh hiện có hơn 170 điểm sạt lở ven sông, ven biển, nhưng từ 2008 đến nay, mới chỉ có 37 dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang triển khai đầu tư, với tổng chiều dài kè khoảng 44km, chưa bằng 1/5 tổng chiều dài bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Trong danh sách hơn 170 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, có gần 10 điểm, với khoảng 8km sạt lở bờ sông, bờ biển được xếp vào vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm và cần được ưu tiên kinh phí đầu tư xử lý sạt lở cấp bách, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để thực hiện các điểm ưu tiên.
Chẳng hạn như bờ biển thôn An Cường, xã Bình Hải, dù là vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhưng do kinh phí có hạn, nên tỉnh mới chỉ đầu tư xây dựng đoạn kè dài khoảng 200m. Còn vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm ở thôn Phước Thiện (Bình Hải), thì đến nay, sau gần mười năm kể từ ngày hàng chục ngôi nhà ở Phước Thiện bị triều cường đánh sập, người dân nơi đây vẫn phải sống chung với sạt lở, vì chưa được xây dựng kè.
“Đặc trưng địa hình sông ngòi của tỉnh là sông ngắn, độ dốc lớn, nên vào mùa mưa, dòng chảy có cường độ mạnh, gây lũ lớn, làm cho bờ sông, bờ biển hằng năm bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện tổng kinh phí cần có để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển toàn tỉnh hơn 6.000 tỷ đồng, nên tỉnh chỉ có thể xử lý dần, chứ không có đủ vốn. Ngay cả các vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm, dù toàn tỉnh có khoảng 10 điểm, nhưng nhiều năm nay, do kinh phí hạn chế, nên một số điểm nằm trong diện cần được bố trí kinh phí cấp bách cũng phải chờ”, Trưởng Phòng Quản lý thiên tai (Chi cục Thủy lợi) Bùi Đức Thái cho biết.
Bài, ảnh: Ý THU