Sạt lở sông, biển đe dọa hàng trăm nhà dân

06:11, 08/11/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Hàng trăm người dân sống ven các cửa sông, cửa biển trên địa bàn TP.Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn đang hết sức lo lắng khi tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nặng nề. Nhiều nhà cửa, vườn tược của người dân bị sóng biển ngoạm vào, cuốn trôi.
 

Sông Trà Khúc đoạn qua xã Tịnh Khê và Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) những ngày vừa qua liên tục thay đổi dòng chảy và “ngoạm” sâu vào đất liền gây sạt lở nghiêm trọng khiến người dân trong vùng nơm nớp lo sợ. Ông Lê Thanh Chuyền, chủ căn nhà cấp 4 kiên cố, nay đã chìm sâu dưới dòng nước lũ cho biết, trước khi có thông tin lũ lớn ông và người thân trong gia đình đã chủ động di dời tài sản cũng như chằn chống nhà cửa. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn là chưa đủ để bảo vệ tài sản của mình. “Nhà tôi nằm cách mép nước sông Trà Khúc hơn 50m và phía sau có hàng tre che chắn. Vậy mà chưa đây 10 phút từ khi rời nhà mang tài sản đến nơi cao ráo quay về thì căn nhà không còn. Tôi không tin vào mắt mình là chỉ trong phút chốc lũ đã cuốn trôi hết mọi thứ”, ông Chuyền thất thần kể lại.
Sóng lớn đang
Sóng lớn đang "nuốt" dần những ngôi nhà ở xóm Khê Tân.

Có mặt tại xóm Khê Tân, thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, phóng viên chứng kiến sông Trà Khúc thay đổi dòng chảy khá lớn và xoáy thẳng vào khu dân cư. Những vạt đất lâu nay là “thành trì” bảo vệ xóm làng cứ lần lượt trôi theo dòng nước dữ. Để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, người dân xóm Khê Tân đã dùng dây thừng căng ngang các điểm có nguy cơ sạt lở để cảnh báo. Dọc theo bờ biển dài khoảng 300m là hình ảnh tan hoang, những gò đất cao trước đây người dân tận dụng làm triền đà và neo tàu, ghe nhỏ thì nay đã thành sông. Những ngôi nhà bị sóng biển đánh tan tành sụp đổ ngổn ngang. Riêng cồn cát rộng hơn 3ha với rừng phi lao xanh ngút là nơi canh tác, chăn thả gia súc của người dân nay đã bị lũ cuốn phăng.

Anh Viễn Văn Mười, đang cố gắng thu dọn tôn, gạch còn sót lại của căn nhà sau khi hứng chịu những trận sóng lớn cho biết, dù đã được cấp đất tái định cư và xây nhà ở nhưng căn nhà này anh chưa thể tháo dỡ được vì phải nuôi gia súc và làm nghề. “Trước kia cửa sông cách nhà gần 100m và chỉ như con lạch nhỏ bởi dòng chảy chủ yếu bên phía xã Nghĩa An, nhưng nay ngôi nhà nằm sát chân sóng và mới đây đã bị sóng biển đánh tan tành”, anh Mười thở dài.
 

 

Một ngôi nhà ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị bị sóng biển đánh tan tành.
Một ngôi nhà ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị bị sóng biển đánh tan tành.

Không chỉ ở Tịnh Khê, hàng chục hộ dân thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn) từ đầu mùa mưa bão đến nay không đêm nào ngủ ngon giấc. Bởi, những đợt sóng cao từ 3-5m cứ lần lượt ập vào bờ kéo theo đất đá ra biển. Những ngôi nhà trước kia nằm cách chân sóng hàng trăm mét, nay đang nằm sát mé vực có thể bị sóng biển nuốt bất kỳ lúc nào. Bà Nguyễn Thị Hiên, nhà ở khu vực này bảo, trước đây sóng lớn nhưng không lo vì bờ biển rất kiên cố, nhưng từ năm 2009 đến nay ngôi nhà chỉ còn cách chân sóng đúng… một bức tường. Móng nhà bị sóng biển khoét sâu vào bên trong, một nữa căn nhà đã sập nhưng gia đình bà vẫn phải sống, do không có đất cũng như tiền để di dời.

Chủ tịch UBND xã Bình Trị Ngô Văn Thính, cho biết trong 5 năm qua, sóng biển đã xâm thực khu dân cư thôn Lệ Thủy hơn 20m, đe dọa hàng trăm hộ gia đình. Nguy hiểm nhất là 35 ngôi nhà nằm giáp biển. Xã cũng đã tính phương án di dời, nhưng do nằm trong khu vực KKT Dung Quất nên nếu di dời thì vị trí tái định cư rất xa. Trong khi các hộ dân trên chủ yếu sống bám biển nên rất khó.

Còn Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Trương Thanh Thảo cho biết, tình trạng sạt lở bờ biển, sông diễn ra từ lâu nhưng không khốc liệt và nguy hiểm như vừa qua. “Dù đã bố trí cho 37 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến khu tái định cư, nhưng hiện vẫn còn gần 100 ngôi nhà nằm trong diện có thể bị biển “nuốt” bất kỳ lúc nào. Để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân xã đã di dời khẩn cấp 20 hộ dân. Để đảm bảo an toàn cho người dân thành phố cần đầu tư xây dựng kè cũng như khu tái định cư để di dời dân đến nơi an toàn”, ông Thảo kiến nghị.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng cho biết với điều kiện ngân sách thành phố hiện nay thì khó có thể đầu tư kè được do số tiền quá lớn. Trước mắt thành phố sẽ tập trung di dời những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đển nơi an toàn. Về lâu dài đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư kè kiên cố.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC








 

.