(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 20 năm kể từ ngày Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" (VNAH) ra đời (năm 1994), Quảng Ngãi có 6.239 Mẹ được trao tặng, truy tặng danh hiệu cao quý này. Chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH đã và đang là việc làm được các cấp, ngành và toàn thể xã hội quan tâm, thể hiện tình cảm, lòng tri ân đối với sự hy sinh, cống hiến của các Mẹ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quảng Ngãi là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, quân và dân Quảng Ngãi đã xung phong lên đường chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách; cống hiến sức người, sức của, góp phần to lớn giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Nhà ghi ơn Mẹ VNAH huyện Đức Phổ xây dựng hoàn thành vào dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7.2017. Ảnh: Trang Thy |
Hiện nay, tỉnh ta đang thực hiện chính sách ưu đãi của Nhà nước cho trên 50.000 người có công, trong đó có 6.239 Mẹ VNAH được truy tặng, trao tặng danh hiệu cao quý của Nhà nước. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời các ngành, cơ quan, đoàn thể nhận chăm sóc, giúp đỡ gia đình người có công nói chung và Mẹ VNAH nói riêng.
Trong những năm qua, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" và chăm sóc người có công với cách mạng ở tỉnh ta từng bước được xã hội hóa sâu rộng, huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia, đặc biệt là phong trào nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ĐINH XUÂN SÂM |
Với Mẹ VNAH Tôn Thị Lương (82 tuổi), ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), dù con trai không trở về sau chiến tranh, nhưng Mẹ còn có rất nhiều người con đến từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện, trong đó có Công ty CP Đường Quảng Ngãi (đơn vị nhận phụng dưỡng Mẹ). Mẹ Lương tâm sự: “Cuối tháng 7 vừa qua, Mẹ được các bác sĩ ở huyện Tư Nghĩa về khám bệnh, cấp thuốc. Tuổi già được quan tâm thế này là Mẹ vui rồi!”.
Không chỉ Mẹ Lương mà các Mẹ VNAH còn sống trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến thăm, chăm sóc như chính người thân trong gia đình hay tổ chức khám, phát thuốc và tư vấn chế độ ăn uống, dinh dưỡng. Cán bộ, công chức viên chức các cơ quan nhận phụng dưỡng đã làm tất cả những gì có thể làm được, để làm ấm thêm những mái nhà thiếu bóng người chồng, người con vì sự hy sinh cho Tổ quốc được bình yên như hôm nay. Bên cạnh tiền trợ cấp của Nhà nước, hằng tháng các Mẹ còn được các đơn vị phụng dưỡng trợ cấp thêm một khoản tiền, để chi tiêu và nâng chất lượng bữa ăn hằng ngày.
Đoàn viên thanh niên Báo Quảng Ngãi tặng quà Bà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đặt (Đức Chánh, Mộ Đức). Ảnh: N.Triều |
Hiện nay, toàn tỉnh có 498 Mẹ VNAH còn sống, đã và đang được 340 cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, trong đó có nhiều đơn vị ở tận TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Kom Tum, Gia Lai... |
Tiêu biểu như Công ty Tân Cảng Sài Gòn nhận phụng dưỡng 16 Mẹ VNAH ở huyện Mộ Đức; Công ty CP Đường Quảng Ngãi phụng dưỡng 55 Mẹ; cán bộ, viên chức ngành GD&ĐT tỉnh nhận phụng dưỡng 98 Mẹ; cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phụng dưỡng 38 Mẹ; Công ty TNHH MTV Lọc hóa Dầu Bình Sơn phụng dưỡng 6 Mẹ...
Với Công ty CP Đường Quảng Ngãi, là đơn vị kinh doanh, nhưng từ nhiều năm nay đã lập hẳn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” do cán bộ, công nhân lao động công ty đóng góp. Hằng năm, cán bộ, công nhân viên của công ty đóng góp để chăm sóc các Mẹ do công ty nhận phụng dưỡng, với số tiền trên 500 triệu đồng. Cũng từ nguồn quỹ này, công ty đã hỗ trợ xây nhà tình nghĩa tặng các Mẹ; khi có Mẹ từ trần, công ty cùng gia đình, họ tộc, địa phương lo mai táng chu đáo...
Sự hy sinh thầm lặng của các Mẹ đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Vì thế, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH ở tỉnh ta trong nhiều năm qua đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tham gia, thể hiện tấm lòng tri ân và trở thành phong trào có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
VŨ YẾN