Tỏa sáng nghĩa cử tri ân

10:07, 10/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 10 năm qua, Trung tâm Điều dưỡng người có công (ĐDNCC) tỉnh đã trở thành mái nhà chung của những người một thời cống hiến quên mình vì hòa bình, độc lập của dân tộc. Nơi đây luôn tỏa sáng tình người và nghĩa cử tri ân.

Thắp lửa yêu thương

"Hôm nay, Mẹ ăn có ngon miệng không, có còn đau nhức không, để con xoa bóp cho mẹ...", chị Trung Thị Kim Hương (nhân viên Trung tâm ĐDNCC) ân cần hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Huỳnh Thị Thủ (90 tuổi). Chị Hương bón cho mẹ Thủ từng miếng ăn, rồi nhẹ nhàng xoa bóp đôi chân gầy guộc của Mẹ. Ở Trung tâm ĐDNCC tỉnh, các Mẹ VNAH, thương, bệnh binh đều quý mến chị Hương như con cái trong gia đình.  

 Y sĩ  Huỳnh Hoàng hơn 10 năm chăm lo sức khỏe người có công.
Y sĩ Huỳnh Hoàng hơn 10 năm chăm lo sức khỏe người có công.


"Chỉ cần cái Hương nghỉ một ngày để lo việc gia đình là bữa đó tôi thấy vắng vẻ. Cháu Hương quan tâm, chăm sóc chúng tôi rất chu đáo. Chúng tôi đau chỗ nào, bữa nào không vui, nó đều biết và động viên", bà Tạ Thị Hợi, thương binh ở trung tâm chia sẻ.
 

"Tỉnh đã kiến nghị Trung ương xem xét, cho chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở II của Trung tâm ĐDNCC tỉnh với quy mô trên 100 giường, để có thể tăng số lượng người có công được điều dưỡng tập trung hằng năm lên khoảng 5.000 người. Hiện tại, Sở đang xin hỗ trợ kinh phí của Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), để xây dựng nhà nuôi dưỡng trong khuôn viên trung tâm, với quy mô nuôi dưỡng khoảng 20 đối tượng".
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ĐINH XUÂN SÂM

Chị Trung Thị Kim Hương quê xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), làm việc ở Trung tâm ĐDNCC tỉnh đến nay được gần 7 năm. Chị Hương tâm sự, làm việc ở đây thu nhập thấp, nhưng bù lại là tình cảm, là nghĩa cử mà bản thân luôn tự dặn lòng phải cố gắng để bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát của các Mẹ VNAH, các thương, bệnh binh. Công việc khá vất vả, đòi hỏi phải kiên nhẫn, nắm bắt tâm lý của người già để kịp thời động viên. Ngoài những ngày làm việc, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho các cụ, chị Hương còn cùng với nhân viên khác thay phiên  túc trực ở bệnh viện chăm lo cho các cụ lúc đau ốm.

Với y sĩ Huỳnh Hoàng - Phó Phòng Y tế điều dưỡng-cấp dưỡng, cũng đã hơn 10 năm gắn bó với công việc chăm sóc sức khỏe cho các Mẹ VNAH, thương, bệnh binh. Y sĩ Hoàng không chỉ là thầy thuốc mà như người con, người cháu luôn gần gũi, tận tình an ủi các cụ. “Có nhiều cụ không chịu uống thuốc, có cụ đãng trí, cáu gắt, có lúc bất hợp tác khi khám bệnh... nhưng những điều ấy không làm mình buồn lòng, mà thêm thương yêu các cụ hơn", anh Hoàng trải lòng. Anh Hoàng cho biết, công việc nhiều, nhưng trung tâm chỉ có 3 cán bộ phụ trách y tế, nên phải chia sẻ công việc cho nhau. Có nhiều đêm phải thức trắng để theo dõi sức khỏe các cụ.

Chia sẻ về công việc hiện tại, y sĩ Hoàng trăn trở: “Về lâu dài, chúng tôi mong cấp trên quan tâm bố trí bác sĩ cho trung tâm để công tác chăm sóc sức khỏe cho các cụ được tốt hơn”.

Chăm lo công tác an dưỡng

Là một trong những người đến Trung tâm ĐDNCC tỉnh an dưỡng nhiều lần, bà Nguyễn Thị Liễu, ở thôn Tiên Xuân, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), chia sẻ: "Hằng ngày chúng tôi được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe, được chăm lo ăn uống đầy đủ. Ngoài ra, trung tâm còn tạo điều kiện cho đi tham quan nhiều nơi. Các cô, chú ở đây chăm sóc chúng tôi rất chu đáo, nhiệt tình". Đó cũng là tâm sự chung của nhiều thương, bệnh binh đến an dưỡng tại Trung tâm ĐDNCC tỉnh.

Trong tháng 7 này, trung tâm tiếp nhiều đoàn thương, bệnh binh từ các địa phương đến an dưỡng. Ngoài việc chăm sóc về thể chất, đời sống tinh thần của người có công cũng được đặc biệt quan tâm. Giám đốc Trung tâm ĐDNCC tỉnh Ngô Thị Hóa cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 50 nghìn người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đều thuộc diện điều dưỡng và phục hồi sức khỏe, trong đó có trên 1.100 trường hợp thuộc diện điều dưỡng phục hồi sức khỏe mỗi năm một lần. Số còn lại thuộc diện điều dưỡng hai năm một lần.

Tuy nhiên, do quy mô của trung tâm chỉ có 80 giường, nên  mỗi năm chỉ thực hiện điều dưỡng tập trung cho khoảng hơn 2 nghìn lượt người có công, con số này quá ít với chỉ tiêu được phân bổ. Số còn lại phải thực hiện cấp tiền điều dưỡng tại gia đình.


Bài, ảnh: KN


 


.