(Báo Quảng Ngãi)- Tăng các dự án thủy điện sẽ góp phần đảm bảo năng lượng, tăng nguồn thu cho ngân sách. Song hành với đó, việc tăng cường kiểm soát, tránh hệ lụy đến môi trường, cuộc sống của người dân là điều không thể xem nhẹ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quá tải thủy điện
Trong vòng 12 năm, trên địa bàn Quảng Ngãi, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đưa vào quy hoạch 25 dự án thủy điện, tổng công suất khoảng 374 MW. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, tỉnh Quảng Ngãi đã rà soát, loại ra khỏi quy hoạch 13 dự án thủy điện nhỏ, rất nhỏ (công suất từ 1 – 10MW). Hiện tại trên địa bàn tỉnh còn 12 dự án thủy điện, công suất 326MW.
Cửa nhận nước thủy điện Đắkđrinh (Sơn Tây). |
Quảng Ngãi có 6 thủy điện đã đi vào hoạt động và phát với 100% công suất gồm Sông Riềng, Cà Đú, Hà Nang, Đắkđrinh, Nước Trong, Huy Măng. Có 3 công trình đang xây dựng, dự kiến năm 2018 sẽ đi vào hoạt động, gồm thủy điện Sơn Tây; thủy điện Sơn Trà 1 (Sơn Hà - Sơn Tây) và Đăkre (Quảng Ngãi - Kon Tum); 3 thủy điện khác là Sông Liên (Ba Tơ), ĐắkBa (Sơn Tây), Thạch Nham (Sơn Hà) đã có chủ trương đầu tư.
Trong năm qua, UBND tỉnh đã cho chủ trương nghiên cứu, thực hiện thêm 6 thủy điện nằm ngoài quy hoạch. Để triển khai đúng quy trình, UBND tỉnh cho phép các chủ đầu tư trình Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch 6 dự án thủy điện ở Quảng Ngãi là Đắkđrinh 2, Trà Khúc 1, Sơn Trà 1C, Thượng Sơn Tây (Sơn Hà, Sơn Tây); thủy điện Núi Ngang (Ba Tơ), Nước Long (Minh Long).
Ngoài ra, UBND tỉnh còn cho các doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu thêm 4 thủy điện để có cơ sở đưa vào quy hoạch, triển khai thực hiện, gồm Sơn Giang (Sơn Hà), Đăkre 2, Ba Tơ và Trà Phong (Tây Trà).
Kiểm soát thủy điện như thế nào?
Nhìn vào các thủy điện đã đi vào hoạt động là Hà Nang, Đắkđrinh và Nước Trong thấy rất rõ quá trình thi công, đưa vào vận hành đã có nhiều trắc trở về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tái định canh. Thậm chí cả vấn đề hòa lưới, bán điện cho điện quốc gia.
Nhiều chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm trong việc tái định cư, định canh. Đây là vấn đề quan trọng mà chính quyền và ngành chức năng cần kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với chủ đầu tư từ khâu phê duyệt, triển khai dự án. Vấn đề này phải làm đúng chỉ đạo của Chính phủ “nơi ở mới của dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, trước khi xây dựng thủy điện".
Mục tiêu, chức năng mà bất cứ thủy điện nào khi đưa ra để thuyết phục cơ quan có thẩm quyền chấp nhận cho đầu tư đều xác định: “Vai trò điều tiết lũ và dự trữ nước chống hạn”.
Tuy nhiên, chức năng này phần lớn nằm trên lý thuyết. Mùa mưa lũ 2016, hai thủy điện Đắkđrinh và Nước Trong xả nước để đảm bảo an toàn hồ đập, gia tăng ngập úng cho vùng hạ du. Các vùng hạ du thuộc huyện Sơn Hà bị cô lập nhiều ngày vì thủy điện xả nước. Theo lý thuyết, trong trường hợp mưa lũ lớn phải giảm xả; khi nắng hạn thì điều tiết xả nước về cho hạ du mới hợp lý. Đằng này, lũ thì xả, hạn thì đóng để bảo vệ mục tiêu phát điện.
Theo quy định, thủy điện Đắkđrinh phải duy trì dòng chảy 3,3m3/s, nhưng mới đây, Công ty CP thủy điện Đắkđrinh lại kiến nghị cho “hạ” mực nước duy trì dòng chảy xuống mức 0,77m3/s. Nếu đề nghị này được chấp thuận thì thủy điện sẽ có thêm nước để phát điện, còn hạ du lại rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn nước.
Ngoài ra, hiện cả 3 hồ chứa thủy điện là Đắkđrinh, Hà Nang và Nước Trong thi công theo công nghệ “không có xả đáy”, để vừa đỡ tốn kém, vừa để duy trì mực nước hồ chứa, đảm bảo phát điện. Vì thế, vấn đề giám sát công nghệ và thực hiện quy định vận hành hồ chứa là tối quan trọng trong kiểm soát thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: THANH NHỊ