(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều công trình nước sinh hoạt ở các huyện miền núi hiện không phát huy tác dụng, nên mới đầu hè đã có hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh thiếu nước.
Việc thiếu nước sinh hoạt đã làm cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khan hiếm nước sinh hoạt
Những cơn mưa liên tiếp trong những ngày qua vẫn không làm giảm “cơn khát” nước sạch đối với hàng trăm hộ dân ở vùng thiếu nước Ba Tơ, Minh Long. Chị Nguyễn Thị Thông, ở thôn Tân Long Trung, xã Ba Động (Ba Tơ) lắc đầu nói: Cứ đến mùa khô là nhà chuẩn bị vài ba chiếc can nhựa, bỏ vào gánh đến các giếng ở xóm khác lấy nước về dùng. Có người gà chưa gáy đã lo đi lấy nước. Đi chậm thì phải chờ. Thế rồi, bà con trong thôn họp thống nhất là nước giếng để nấu uống, còn nước sinh hoạt cho người và gia súc thì dựa vào nước sông.
Người dân khảo sát để có hướng khắc phục nguồn nước sinh hoạt. |
Ở vùng cao Ba Khâm, Ba Trang cũng đã thiếu nước từ nửa tháng nay. Chủ tịch UBND xã Ba Khâm Phạm Văn Dút cho hay: Xã được đầu tư 4 công trình nước sinh hoạt tập trung. Theo thiết kế ban đầu, các công trình này đáp ứng nguồn nước cho bà con trong vùng sử dụng. Tuy vậy, trước đây khi khảo sát địa điểm thì vùng này cây cối còn khá nhiều, nên nguồn nước dồi dào. Khi công trình xây dựng xong được vài năm, thì rừng bị chặt phá để trồng keo nên mực nước ngầm cạn kiệt. Ngoài lý do này, chất lượng vài công trình xây dựng không đảm bảo kỹ thuật, nên mới rơi vào cảnh thiếu nước.
Còn ở huyện Minh Long, nắng nóng kéo dài cũng đã làm cho nhiều công trình nước tự chảy và giếng khơi ở các xã Long Mai, Long Sơn, Long Hiệp không phát huy tác dụng. Một người dân ở thôn Mai Lãnh Thượng, xã Long Mai cho hay: Cứ đến đầu hè là dân trong vùng thiếu nước uống. Muốn có nước để phục vụ sinh hoạt hằng ngày bà con phải xuống dưới suối gùi nước về nhà sử dụng, nhưng mỗi khi có mưa giông nguồn nước suối lại đục ngầu.
Cần giải pháp lâu dài
Phó Phòng NN&PTNT huyện Minh Long Nguyễn Văn Đàm cho biết: Hằng năm, huyện Minh Long đều dành kinh phí đầu tư xây dựng mới, duy tu sửa chữa một số công trình nước sinh hoạt. Tuy nhiên, cái khó nhất là một số công trình nước lấy từ các cánh rừng đầu nguồn, trong khi bà con trồng keo nên nguồn nước cạn kiệt. Phòng đang cử cán bộ phối hợp với chính quyền các xã, rà soát toàn bộ các công trình bị hư hỏng, để có hướng giải quyết.
Đồng thời, đề xuất với huyện sẽ hỗ trợ mỗi xã 100 giếng khơi, giúp bà con có nước sử dụng. Rút kinh nghiệm từ những công trình nước sinh hoạt những năm trước, huyện sẽ tiến hành khảo sát, đào giếng trong mùa khô kết hợp với vận động người dân bảo vệ rừng đầu nguồn các con suối, để công trình đầu tư phát huy hiệu quả.
Còn ở Ba Tơ, huyện cũng đã rà soát toàn bộ vùng thiếu nước, nhằm có phương án phòng chống hạn hiệu quả cho người và gia súc. Riêng vùng cao Ba Khâm, Dự án giảm nghèo miền Trung- Tây Nguyên đã có kế hoạch sẽ tài trợ 430 triệu đồng, để xây dựng 3 giếng đào nhằm cung cấp nước sạch cho hơn 200 hộ dân đang chờ nước ở thôn Vảy Ốc.
Chuyện thiếu nước sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc trong mùa khô ở các huyện miền núi đã xảy ra từ nhiều năm nay. Tuy vậy, cứ công trình này khắc phục, công trình khác lại hư hỏng. Do đó, các địa phương cần khảo sát nguồn nước toàn vùng, kết hợp với vận động dân bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, những công trình nước hoàn thành, đưa vào sử dụng phải có kế hoạch bảo vệ, duy tu bảo dưỡng hằng năm. Có như thế, mới khắc phục được “điệp khúc” cứ đến mùa khô lại thiếu nước sinh hoạt như hiện nay.
Bài, ảnh: MAI HẠ