Các công trình nước sinh hoạt xuống cấp: Thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa

02:10, 29/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi người dân tại nhiều địa phương đang thiếu nước sinh hoạt, thì hàng trăm công trình nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh lại hư hỏng, xuống cấp. Trong khi đó, kinh phí để duy tu, sửa chữa các công trình này đang là một vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Theo kết quả thanh tra các công trình nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm này, trong số 496 công trình được thanh tra, có 204 công trình hoạt động bình thường, phát huy hiệu quả sử dụng; có 135 công trình hoạt động một phần (phần lớn do hư hỏng, xuống cấp một số đoạn ống cấp nước và công trình trên đường ống), nên không cung cấp đủ nước sử dụng cho người dân theo nhu cầu; có 148 công trình ngừng hoạt động do hư hỏng đường ống, đập đầu mối, bể lắng, bể chứa, bệ vòi... không cung cấp nước cho người dân và có 6 công trình chưa đưa vào sử dụng.

Nhiều công trình nước sinh hoạt ở miền núi không phát huy được hiệu quả bền vững.
Nhiều công trình nước sinh hoạt ở miền núi không phát huy được hiệu quả bền vững.


Tại huyện miền núi Tây Trà, toàn huyện có 83 công trình nước sinh hoạt thì đã có 68 công trình bị hư hỏng một phần, hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động. Còn tại huyện Sơn Tây, trong số 78 công trình được đầu tư thì đến nay chỉ có 8 công trình hoạt động, còn lại đều đã xuống cấp và có hơn 20 công trình ngừng hoạt động...

"Một trong những nguyên nhân khiến công trình cấp nước tập trung hư hỏng, xuống cấp là do đầu tư thiếu đồng bộ và không chú trọng đến công tác quản lý, vận hành, không có nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Vì vậy, sau khi khắc phục, sửa chữa, muốn công trình hoạt động bền vững, các địa phương cần tăng cường lực lượng quản lý, vận hành công trình nước sinh hoạt".
Ông LÊ VĂN MINH - Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT.

Nhằm khắc phục, sửa chữa và nâng cấp những công trình nước sinh hoạt xuống cấp, từ năm 2013 – 2015, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau và đã tiến hành đầu tư, sửa chữa, nâng cấp được 91 công trình, với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Song, do số lượng công trình nước sinh hoạt xuống cấp, hư hỏng khá lớn nên các địa phương vẫn chưa thể khắc phục, sửa chữa triệt để.

Hầu hết các huyện đều kiến nghị được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn ngân sách tỉnh để sửa chữa. Cụ thể, huyện Tây Trà cần 11,4 tỷ đồng để sửa chữa 36 công trình trong năm 2017; huyện Trà Bồng cần 3,6 tỷ đồng để sửa chữa 30 công trình trong giai đoạn từ 2016 – 2018; Đức Phổ cần 8 tỷ đồng để sửa chữa 4 công trình trong hai năm 2016 – 2017; Sơn Tây cần 22,8 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 38 công trình trong giai đoạn từ 2016 – 2019...

Để gỡ được “nút thắt” về kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình nước sinh hoạt hư hỏng, xuống cấp trên, ông Lê Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiến nghị: “Giai đoạn 2016 – 2020, Trung tâm đề nghị tỉnh ưu tiên bố trí vốn để khắc phục, sửa chữa 21 công trình, với tổng kinh phí khoảng 57 tỷ đồng. Những công trình đề nghị ưu tiên này đều là công trình mang tính cấp thiết, thuộc những vùng khó khăn về nước sinh hoạt, công trình có vốn đầu tư lớn và số người hưởng lợi nhiều, nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân”. Cũng theo ông Minh, các công trình còn lại, do công suất thiết kế nhỏ, kinh phí đề xuất khắc phục sửa chữa thấp, đề nghị giao UBND huyện có kế hoạch cân đối khắc phục sửa chữa từ nguồn kinh phí giao cho huyện hằng năm.

Bài, ảnh: Ý THU


 


.