(Báo Quảng Ngãi)- Dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh có đóng góp không nhỏ về giá trị doanh thu, cũng như giải quyết việc làm. Tuy nhiên, qua số liệu điều tra cho thấy thành phần chủ yếu của ngành dịch vụ ăn uống hiện nay vẫn chỉ là các sạp hàng ăn, quán cóc, vỉa hè với quy mô nhỏ và mang tính tạm bợ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cuộc cạnh tranh "quán nhỏ - quán to"!
Theo số liệu điều tra doanh nghiệp và điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, hiện nay toàn tỉnh có hơn 11.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó số lượng cơ sở cá thể kinh doanh dịch vụ ăn uống chiếm 99,47%. Số lượng lao động toàn tỉnh làm việc trong ngành dịch vụ ăn uống hơn 18.000 người. Trong đó, lao động trong các cơ sở kinh doanh cá thể chiếm hơn 96%, lao động làm việc trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ khoảng 600 người, chiếm hơn 3%.
Quán cóc vỉa hè đường Phan Đình Phùng "tràn" ra tận lòng đường. |
Nhìn vào thực tế, ai cũng dễ dàng nhận thấy hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống ở quán cóc, vỉa hè đã, đang có sự lấn lướt, thu hút lượng người tiêu dùng khá đông. Trên các tuyến đường từ nội ô thành phố đến các vùng nông thôn, quán cóc, vỉa hè mọc lên ngày càng nhiều.
Mỗi sáng sớm trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là những con đường đông dân cư qua lại, có bóng mát của cây xanh, dày đặc quán cà phê "rang xay tại chỗ". Tiện lợi, giá cả phù hợp với người có thu nhập trung bình, nên các quán cà phê này đã thu hút lượng khách khá đông. Sôi động nhất là cà phê vỉa hè đường Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Cao Bá Quát. Các quán này dần đã trở thành đối tượng cạnh tranh với các quán kinh doanh lâu đời, tổ chức quy mô tại "làng cà phê". Suất đầu tư thấp, tiền thuê mặt bằng dường như không đáng kể là lợi thế mà các quán cà phê vỉa hè tăng sức cạnh tranh về giá với các quán quy mô lớn.
Riêng các dịch vụ ẩm thực, các quán cóc, vỉa hè đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Mỗi con đường đẹp được hoàn thành, có vỉa hè thuận lợi là quán cóc mọc lên. Ngoài chi phí đầu tư thấp, quán ẩm thực vỉa hè còn có lợi thế về không gian thoáng đãng và phần nào đó cũng phù hợp với phong cách "tiện đâu ghé đó", "sở thích bình dân" của người dân hiện nay. Còn các quán ẩm thực lớn hầu như chỉ phục vụ tiệc liên hoan, chiêu đãi, sinh nhật, gặp mặt...
"Ngành công nghiệp không khói"
Theo Cục thống kê, trong những năm gần đây, doanh thu ngành dịch vụ ăn uống của tỉnh đạt bình quân hơn 6.000 tỷ đồng/năm. Trong đó khối cơ sở cá thể đạt 5.700 tỷ đồng (chiếm khoảng 94%); khối cơ sở nhà nước và tư nhân chiếm khoảng 6%. Đó là minh chứng cho giá trị kinh tế từ ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống mang lại.
Ở Quảng Ngãi, bất kể sáng, trưa, chiều, tối, dọc các tuyến đường hầu như lúc nào quán cũng mở cửa, sẵn sàng đón khách. Có những con đường gắn liền với những món ẩm thực của quán cóc, vỉa hè. Nhắc đến tên quán, người ta dễ dàng nhớ ra tên đường tìm đến một cách dễ dàng, nhanh chóng. Thế nhưng, thực trạng thực phẩm bẩn gia tăng, việc phục vụ tại các quán này xem ra cũng còn nhiều điều để bàn. Lấy giá cả làm cạnh tranh, đương nhiên những quán cóc, vỉa hè không thể nhập các thực phẩm quá "chuẩn" với giá đắt đỏ về phục vụ thực khách. Đơn cử như lẩu đuôi bò. Mỗi con bò chỉ có một cái đuôi, nhưng hàng đêm trên hè phố của nội ô Quảng Ngãi, rất nhiều quán lẩu đuôi bò đông người dân đến thưởng thức. Rõ ràng nguồn đuôi bò đang được nhập về, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các quán cóc, vỉa hè vì thế rất cao.
Ngoài ra, tình trạng kinh doanh vỉa hè, quán cóc còn ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông. Việc bày bàn ghế "cơi nới mặt bằng" lấy chỗ cho khách ngồi ăn, uống choáng hết lối đi của người đi bộ, vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Kinh doanh vỉa hè, quán cóc đang đặt ra nhiều vấn đề, kể cả là cạnh tranh không công bằng, vì loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống này không phải chịu những khoản nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước so với nhà hàng, khách sạn và các loại hình kinh doanh khác. Chính vì vậy, trong thời gian đến, cần có chính sách quản lý, cũng như quy hoạch để phát triển ngành dịch vụ ăn uống, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân; đồng thời đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo sự công bằng trong kinh doanh.
Bài, ảnh: THANH NHỊ