Vỉa hè, lòng lề đường bị chiếm dụng: Ai quản, quản ai?

09:11, 10/11/2012
.

(QNg)- Thời gian qua, chính quyền các địa phương đã tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán, bãi tập kết vật liệu nhưng xem ra, vấn nạn này vẫn khó bề dẹp bỏ…  
 

TIN LIÊN QUAN


Đâu rồi văn minh đô thị?

Vỉa hè, lề đường được xây dựng để bảo vệ con đường, tạo vẻ mỹ quan đô thị và phục vụ cho người đi bộ nên trông cũng rộng rãi, sạch sẽ. Thấy được lợi thế này, nhiều hộ có nhà ở cạnh đường nảy ra ý tưởng tận dụng vỉa hè, lề đường thành nơi buôn bán, kinh doanh, thậm chí là bãi đỗ xe hay điểm tập kết vật liệu, hàng hóa.   

 Đường Nguyễn Bá Loan bị chiếm dụng biến thành


Điển hình như đường Nguyễn Bá Loan, con đường bị người dân "biến" thành "chợ" với đủ các mặt hàng được bày bán từ thịt, cá tươi sống đến áo quần, hàng gia dụng. Thế nên, mỗi khi ai đó có dịp ngang qua đây sẽ bị… kẹt đường vì hàng quán nằm ngổn ngang tứ phía, người mua thì ngồi luôn trên xe để lựa chọn hàng và mặc cả, còn người bán thì mang hàng ra tận lòng đường để phục vụ các… thượng đế! Với tuyến đường Phạm Văn Đồng, nơi đã từng được người dân chọn là vị trí lý tưởng để đi bộ, bởi nó vừa rộng, vừa thoáng mát. Tuy nhiên, ấn tượng ấy giờ chỉ còn là ký ức, vì hiện nay, con đường này đã mang biệt danh "đường ăn uống"!  

Ngoài ra, ở các tuyến đường chính như: Hùng Vương, Quang Trung, Lê Trung Đình hay ngã tư Lê Lợi - Quang Trung, Hùng Vương - Quang Trung, Phan Đình Phùng - Hùng Vương… cũng xuất hiện nhan nhản các quán bán đồ ăn, thức uống trên vỉa hè và lề đường. Thế nên, thời điểm đông khách, chủ quán nghiễm nhiên bày cả bàn, ghế ra tận lòng lề đường, khiến người tham gia giao thông gặp không ít khó khăn và nguy hiểm.

Cùng với thành phố Quảng Ngãi thì hiện nay, nhiều tuyến đường ở trung tâm thị trấn các huyện cũng diễn ra tình trạng này. Đặc biệt, việc người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường dọc tuyến Quốc lộ 1A để buôn bán, kinh doanh là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Đây là đoạn đường có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc. Nhưng một khi hàng quán hai bên đồng loạt "vươn" ra ngoài, còn mặt đường bị chiếm dụng sẽ gây che khuất tầm nhìn khiến tai nạn xảy ra cũng là điều dễ hiểu.

Điều đáng nói là người dân không chỉ lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường công cộng mà ngay cả trước cổng các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cũng xuất hiện hàng ăn, quán nước tràn lan, khiến lối ra vào lúc nào cũng chật kín… khách ăn uống, bán mua! "Nhếch nhác và phản cảm. Chẳng còn gì gọi là trang nghiêm, văn minh nơi công cộng" - Một hộ dân có nhà ở trên đường Quang Trung, TP Quảng Ngãi bức xúc cho biết.

Chấn chỉnh: Trông chờ vào ý thức người dân

Nếu như những hộ kinh doanh, buôn bán cố gắng làm rộng cửa hàng bằng cách "lấn" ra vỉa hè thì những người bán hàng rong lại thích "ở" lòng lề đường. Điều này cũng không có gì lạ, vì vỉa hè-lối đi dành cho người đi bộ đã bị chiếm dụng thì họ buộc phải di chuyển trên lòng lề đường. Hệ lụy tất yếu này khiến bộ mặt đô thị càng thêm rối rắm. Bởi lẽ, đây là những gánh hàng "di động" nên hàng hóa bạ đâu bày bán đấy, rác thải các loại cũng được người ta tiện tay vứt xuống đường gây mất vệ sinh. "Đội ngũ này khiến lực lượng chức năng đau đầu nhất mỗi khi ra quân "dọn dẹp" và chỉnh trang đường phố. Vì cứ thấy bóng dáng chúng tôi là họ nhanh chóng thu dọn hàng gánh, ung dung… đi bộ trên vỉa hè. Đến khi thấy "an toàn" thì lại bày ra bán", một cán bộ của Đội quản lý trật tự đô thị thành phố (Đội) cho hay.

 

Vỉa hè đường Phạm Văn Đồng đã
Vỉa hè đường Phạm Văn Đồng đã "biến" thành những cửa hàng bán quần áo như thế này.


Cũng theo cán bộ này thì tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán, kinh doanh đã trở thành căn bệnh mãn tính của một bộ phận lớn người dân. Muốn chữa, phải có một liều thuốc cực mạnh. Nhưng vấn đề là "thuốc" gì? Ai bán? Bởi lượng người mắc "bệnh" không hề nhỏ và thuộc nhiều tầng lớp. Trong khi đơn vị chịu trách nhiệm "bắt bệnh" trực tiếp là Đội thì chỉ có mấy người. Đã thế, Đội chỉ có nhiệm vụ nhắc nhở và tịch thu tang vật chứ không được quyền xử lý. Nắm được "điểm yếu" này, nhiều người vẫn ngang nhiên vi phạm, thậm chí cố tình chây ỳ dù nhiều lần bị cán bộ của Đội "điểm mặt chỉ tên". "Nghèo khổ, không có tiền thuê mặt bằng nên phải mưu sinh ở vỉa hè còn thông cảm được, đằng này có nhiều người kinh doanh lớn, cửa hàng đồ sộ nhưng vẫn thích… lấn đường. Thật hết biết" - Ông Đinh Tấn Vũ, tổ trưởng tổ quản lý trật tự đô thị phường Nguyễn Nghiêm (TP Quảng Ngãi) ngán ngẩm nói.

Trước thực trạng trên, chính quyền thành phố Quảng Ngãi và các huyện cũng đã triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh. Nhưng thực tế thì hiệu quả mang lại chẳng đáng là bao. Bằng chứng là hầu hết các tuyến đường vẫn bị hàng quán, chợ "cóc" vô tư "bao vây", lấn chiếm. Lý giải điều này, nhiều địa phương cho rằng: "Dù có ra quân truy quét, tịch thu tang vật hay xử lý hành chính thì đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Vấn đề mấu chốt là phải thay đổi được ý thức bán-mua của người dân". Tuy nhiên, không biết đến bao giờ, cái ý thức ấy mới được những người vi phạm "ngấm" khi mà thông điệp "cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán, kinh doanh" đã được gửi đến tận nhà mỗi hộ.


Để dẹp được vấn nạn này, đã đến lúc chính quyền các cấp cần phối hợp và sử dụng có hiệu quả các mũi giáp công. Đó là: Vừa tăng cường tổ chức các đợt ra quân, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không du di, vị nể; vừa tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, thậm chí đưa vấn đề này trở thành tiêu chí thi đua ở các KDC. Có như vậy thì đường phố mới mong tìm lại "bộ mặt" của chính mình.
   

*Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Văn Mùi: "Người mua cần nâng cao ý thức". Những gánh hàng rong, những mặt hàng được bày bán ngoài lòng lề đường nếu không được người mua để mắt, liệu có tồn tại. Chỉ vì người dân lười đến chợ, thậm chí vì muốn mua hàng cho nhanh nên thích tìm đến những hàng gánh ven đường. Đấy mới chính là tác nhân khiến chợ tràn ra đường; hàng rong, quán vỉa hè nở rộ để phục vụ những… thượng khách. Do đó, để bộ mặt các đô thị nói chung, trung tâm thị trấn Đức Phổ nói riêng được sạch sẽ, gọn gàng thì bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, người dân cần từ bỏ thói quen "tiện đâu mua đấy". Bởi đó cũng là một nét văn hóa mua-bán.

*Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị TP Quảng Ngãi Nguyễn Thành Sơn: "Chế tài xử lý chưa phù hợp". Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với các hành vi chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán. Điều này chẳng khác nào "đánh đố" lực lượng chức năng. Bởi với những người có cửa hàng "di động" hoặc buôn bán nhỏ lẻ thì khi bị chúng tôi tịch thu tang vật, họ chấp nhận bỏ chứ lấy đâu ra số tiền lớn như thế để nộp phạt. Vậy nên Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 34 (có hiệu lực vào ngày 10/11/2012) thì việc xử lý những trường hợp vi phạm trên sẽ thuận lợi hơn bởi mức độ vi phạm được phân cấp cụ thể, số tiền nộp phạt cũng phù hợp với thực tế (100.000 - 3 triệu đồng).    

*Chủ tịch UBND phường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi Võ Văn Khương: "Quy hoạch những vị trí mà người dân được phép buôn bán". Không thể cấm người dân mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán. Nhưng để tránh tình trạng hàng quán thi nhau "chạy" ra đường, các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh những người vi phạm bằng cách tháo dỡ, phạt hành chính, thậm chí cấm hoạt động để răn đe. Đối với những người bán hàng rong thì nên chăng, cấp trên cần nghiên cứu quy hoạch những khu vực, vị trí, tuyến đường mà họ được phép hoạt động. Điều này vừa giúp những người này có kế mưu sinh nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề an ninh trật tự và mỹ quan đô thị.  

*Ông Nguyễn Hữu Nhìn - phường Nghĩa Lộ (TP Quảng Ngãi): "Xử lý quyết liệt, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi". Không nói đâu xa, ngay như đầu cầu Trà Khúc - cửa ngõ đi vào thành phố mà cảnh buôn bán diễn ra hết sức nhếch nhác, lộn xộn. Hàng hóa được "phơi" khắp vỉa hè, những xe hàng rong thì chen chúc hai bên để người đi đường vừa ngắm vừa… chọn! Ngay cả các cửa hàng trong khu vực chợ đêm (thuộc đường Tôn Đức Thắng) cũng bỏ chợ, mang hàng ra đường góp vui! Vậy thì, các cơ quan quản lý đã ở đâu, làm gì khi để tình trạng này xảy ra một cách ngang nhiên, kéo dài như thế?.

*Ông Nguyễn Tiến Thành - thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân (Mộ Đức): "Phát huy vai trò của chính quyền cơ sở". Là khu vực trung tâm nên các đoạn đường quanh ngã tư Thạch Trụ dường như… hẹp lại bởi hàng quán, mái hiên. Đã thế, chợ Thạch Trụ lại không đáp ứng nổi nhu cầu buôn bán, kinh doanh của nhân dân nên một phần mặt đường bị biến thành… chợ, gây cản trở giao thông. Chỉ những khi bị lực lượng kiểm tra thường xuyên "soát" chặt thì khu vực mới được thông thoáng. Nhưng sau thời gian "im lặng" thì mọi thứ trở lại như cũ. Rõ ràng, người dân cũng sợ bị phạt. Do đó, nếu chính quyền cơ sở phát huy được vai trò "tại chỗ" của mình thì vấn nạn này sẽ được dẹp bỏ.

 


Mỹ Hoa

 


.