(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn một năm triển khai thực hiện siết chặt tải trọng theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông do xe quá tải gây ra và bảo vệ hệ thống cầu đường, tình trạng xe chở quá tải trọng vẫn còn diễn ra, nhất là những “hung thần” chở gỗ keo, gỗ dăm…
Đại tá Nguyễn Cao Lũy- Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ, Đường sắt (Công an tỉnh) cho hay, chừng này năm 2014, Sở GTVT đã tổ chức hội nghị để "siết chặt tải trọng" và có 29 doanh nghiệp vận tải đầu mối trên địa bàn tỉnh cùng ngồi vào bàn ký cam kết không chở quá tải trọng thiết kế của xe. Thế nhưng, qua một năm thực hiện, tình trạng xe chở quá tải vẫn nhan nhản trên đường. Trong đó, có những phương tiện của các nhà xe đã ký cam kết.
Xe chở keo có dấu hiệu quả tải luôn đe dọa người đi đường. |
Lý giải cho việc vi phạm của mình, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, chở quá tải là việc chẳng đặng đừng! Theo ông Nguyễn Nị- Chủ tịch Hiệp hội gỗ dăm Quảng Ngãi, thời gian đến Bộ Tài chính đề xuất thu thêm 5% đối với sản phẩm từ gỗ khi xuất khẩu. Như vậy, chúng tôi buộc phải hạ giá thành mua của nông dân, nếu không được chở quá tải.
Còn ông Trần Quốc Tuấn-Giám đốc Công ty TNHH vận tải Dung Quất thì cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp vận tải bắt thêm “rế” trước để thêm hai bánh xe nên tải trọng cho phép chở tăng thêm được 9 tấn, dù phương tiện đó nếu chở đúng tải trọng là 11 tấn. Các doanh nghiệp mới “lách luật” để chở quá tải nhưng hợp lý. “Họ chỉ cần thêm hai chiếc lốp là có thể ung dung chở gấp đôi so với xe của chúng tôi. Như vậy, chúng tôi không thể cạnh tranh được”- ông Tuấn giãi bày.
Trước cách lý giải thiếu thuyết phục của các doanh nghiệp, đại tá Nguyễn Cao Lũy cho biết, hiện nay chúng ta xử lý xe quá tải rồi thì cho đi chứ ít hạ tải. Nguyên nhân là không có bãi để hạ tải. Sắp tới, cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với trạm cân kiểm tra tại các nhà máy dăm, nếu phương tiện nào vi phạm sẽ phạt tại chỗ, chứ không chỉ bắt ngoài đường nữa.
Xử lý hơn 750 xe chở quá tải Ông Huỳnh Ngà - Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, cho biết từ đầu năm đến nay đã xử lý 758 phương tiện chở quá tải, buộc 730 phương tiện hạ tải với gần 3.000 tấn hàng hóa, xử phạt gần 8 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn hơn 250 trường hợp. Hầu hết số phương tiện bị bắt đều vượt trên 150% tải trọng cho phép. Tình trạng chung của xe tải chở dăm vi phạm là cơi nới chiều cao; phủ bạt không kín gây rơi vãi trên đường. |
Những phương tiện chở quá tải chiếm số lượng lớn hiện nay mà các ngành chức năng trong tỉnh phản ánh là xe chở gỗ dăm, gỗ keo. Đi dọc các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, nhất là Quốc lộ 24B, tình trạng xe tải chở gỗ keo, gỗ dăm hiện khá phổ biến. Tuyến đường từ xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) đến thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) bị xe quá tải cày nát. Ổ gà, ổ voi xuất hiện ngày càng dày thêm trên đường.
Nhà ở mặt tiền đoạn qua thôn An Kim, xã Tịnh Giang, bà Lê Thị Thu bảo ngày nào bà cũng phải lau bụi bám dày trên bàn, ghế, cửa, bếp ăn. “Xe chạy thục mạng trên đường dù qua khu dân cư đông đúc. Nhất là tầm từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau. Không chỉ chạy ẩu mà các xe này còn bóp còi inh ỏi mỗi khi qua các khúc đường cua nên bà con ở đây thường tỉnh giấc lúc nửa đêm. Chúng tôi bức xúc lắm, nhưng chẳng biết phải làm gì”, bà Thu nói.
Ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi, cho biết mỗi ngày có từ 400-500 xe chở gỗ keo xuống cảng và đều quá tải từ 50-200%. Nếu Thanh tra Bộ GTVT vào kiểm tra ở Quảng Ngãi, chỉ kiểm tra sổ sách hàng hóa ở cảng thì khó mà giải thích được chuyện xe chở quá tải. "Các doanh nghiệp nên tự sửa đổi cách làm ăn của mình. Nếu xe nào chở quá tải chúng tôi sẽ báo Thanh tra Bộ GTVT xử lý”, ông Lương quả quyết.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC