(Báo Quảng Ngãi)- Mùa nắng nóng đã vào giai đoạn gay gắt. Với các địa phương bãi ngang ven biển, tình trạng nước nhiễm mặn, nhiễm phèn cũng “đến hẹn lại lên” và ngày càng nghiêm trọng. Chuyện thiếu nước sinh hoạt là nỗi lo của nhiều hộ dân nơi đây.
Mới vào đầu mùa nắng, nhưng nhiều hộ dân ở dọc ven biển xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đã cảm nhận được sự thay đổi trong sử dụng nước sinh hoạt hằng ngày. Đó là nước giếng đã tăng dần độ mặn. Ông Đỗ Quang Vinh, thôn Cổ Lũy cho biết, cứ đầu mùa nắng là nước giếng bắt đầu khó sử dụng. Ở đây nhiều gia đình phải mua thiết bị lọc về để lọc nước. Tuy nhiên, máy lọc cũng xử lý được chất phèn, còn độ mặn thì không giảm được. Để có nước dùng, hầu hết người dân ở đây phải mua nước lọc trong bình về uống và nấu ăn, còn nước giếng chỉ để tắm giặt. Theo ông Vinh, ở vùng Cổ Lũy, tình trạng nguồn nước ngầm nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là do mấy năm gần đây, người dân trong vùng nuôi tôm nên một lượng lớn nước ngầm bị khai thác quá mức.
Công trình nước sinh hoạt cung cấp nước cho khoảng 400 hộ dân ở Bình Châu dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 6 tới. Ảnh: XUÂN THIÊN |
Tại thôn Châu Me, xã Bình Châu (Bình Sơn), cứ vào đầu mùa nắng nóng, người dân ở những khu vực gần biển lại phải lo lắng đến nguồn nước sinh hoạt. Có nhiều vùng người dân phải góp tiền vào để lên vùng núi cách nhà rất xa để khoan giếng tìm nguồn nước ngọt. Bà Võ Thị Liễu, thôn Châu Me cho biết, trước đây nhà ai cũng đào giếng trong vườn để sử dụng, nhưng dần dần nước bị nhiễm phèn ngày càng nặng nên phải lên vùng đồi cao để khoan giếng và dẫn nước về dùng. Nhà nào có điều kiện thì tự mua đường ống, máy bơm và khoan giếng; còn gia đình nào khó khăn thì góp chung vào để đủ tiền khoan giếng dẫn nước về dùng chung.
Người dân ở thôn Châu Me cho biết, dù nguồn nước khoan từ trên núi đảm bảo sinh hoạt hằng ngày, nhưng đến mùa nắng cao điểm thì nhiều giếng nước bị cạn nên phải đi tìm những giếng còn nước để xin chở về dùng. “Đến mùa nắng nóng chúng tôi phải đi rất xa để lấy từng thùng nước về dùng”, bà Liễu lo lắng.
Ở vùng ven biển Bình Châu, nhiều năm qua, một số người bỏ tiền ra đầu tư hệ thống nước ngọt làm dịch vụ cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, các cơ sở chỉ cung cấp đủ nhu cầu cho khoảng 200 hộ dân gần nhà máy nước, còn những khu dân cư xa hơn thì không cung cấp được. Mặt khác, hầu hết các cơ sở làm dịch vụ cung cấp nước ngọt cho người dân không đủ vốn để mở rộng đầu tư nâng công suất, trong khi nắng nóng ngày càng khốc liệt, tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng và nhu cầu của người dân tăng cao.
Bà Võ Thị Liễu ở thôn Châu Me, xã Bình Châu sử dụng nguồn nước ngọt dẫn từ trên núi về nhưng nguồn nước cũng bắt đầu cạn kiệt dần. |
Ông Nguyễn Quốc Vương – Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: Để giải quyết nhu cầu nước ngọt sinh hoạt cho người dân, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn và 10% nhân dân đóng góp, xã đang xây dựng công trình nước sinh hoạt tại thôn Châu Me, công suất cung cấp cho khoảng 40 hộ dân, tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, dự kiến tháng 6 tới sẽ đưa vào sử dụng, song mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân. Về lâu dài rất cần có sự đầu tư đồng bộ hệ thống nước sạch để phục vụ nhu cầu cho người dân địa phương.
Các vùng bãi ngang ven biển đang từng ngày chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của biến đổi khí hậu, cùng với đó hoạt động sản xuất của dân cư ven biển không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng, khiến nguồn nước ngọt cạn kiệt dần. Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt để phục vụ cho một số vùng khó khăn về nguồn nước ngọt, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Vì thế, đến mùa nắng nóng thì tình trạng thiếu nước ngọt luôn là nỗi lo của hàng ngàn người ở các vùng ven biển trong tỉnh.
Bài, ảnh: X.THIÊN