Nâng cao trách nhiệm địa phương và người dân trong việc sử dụng các công trình nước sinh hoạt

02:10, 18/10/2012
.

(QNĐT)- Sáng 18/10, đồng chí Lê Viết Chữ-Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ buổi họp với các sở, ngành địa phương về việc rà soát, đánh giá tình hình đầu tư và quản lý sử dụng các dự án, công trình nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ngãi, thì từ năm 1994 đến nay, tổng số công trình do ngành NN&PTNT tỉnh đã xây dựng là 52 công trình, với tổng vốn trên 87 tỷ đồng. Trong đó có 8 công trình do tổ chức UNICEF tài trợ, 41 công trình do nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 3 công trình đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Châu Á.


Trong số 52 công trình thì có 8 công trình đến nay không còn hoạt động, trong đó 3 công trình ở huyện miền núi, 5 công trình ở huyện đồng bằng. Ngoài 52 công trình do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư thì từ năm 1994 đến nay, trên địa bàn các huyện đã có 312 công trình lớn nhỏ thuộc nhiều dự án do huyện làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 135 tỷ đồng.

Theo đánh giá, thì hiện nay nhiều công trình nước sinh hoạt ở nông thôn không phát huy được hiệu quả, một phần do việc khảo sát địa chất, thủy văn không kỹ khi đầu tư dẫn đến nguồn nước không sử dụng được. Nhiều công trình ở miền núi khi được bàn giao cho địa phương không có người quản lý, vận hành, bảo dưỡng, thiếu kinh phí vận hành...

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Viết Chữ-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc rà soát, đánh giá tình hình đầu tư và quản lý sử dụng các dự án, công trình nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được kỹ, còn nhiều thiếu sót, vì vậy Sở NN&PTNN tỉnh và các huyện phải khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo chậm nhất trong cuối tháng 10 này trình lại UBND tỉnh.

 

Nhiều công trình đầu tư hàng tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả. (Trong ảnh công trình nước sinh hoạt tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh).
Nhiều công trình đầu tư hàng tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả. (Trong ảnh công trình nước sinh hoạt tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh).


Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Sở NN&PTNT và các địa phương cần phải đánh giá đầy đủ và chính xác từng công trình, những công trình nào không phát huy tác dụng, nguyên nhân vì sao, trách nhiệm thuộc về ai và biện pháp khắc phục, không né tránh.

Các công trình đã phát huy được tác dụng thì cũng phải đánh giá rõ, và cần rút ra kinh nghiệm gì cho những công trình khác. Lưu ý các công trình khi triển khai xây dựng phải có ý kiến đóng góp và đồng thuận của người dân, địa phương và phải có sự cam kết của người dân và địa phương trong việc tiếp nhận, bảo dưỡng, vận hành công trình.

Việc đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn phải gắn với đề án quy hoạch nông thôn mới, phải huy động được nguồn đóng góp của nhân dân. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng cần phải xây dựng khung giá nước sạch ở nông thôn.

 

M.Toàn

 


.