Dân khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt

01:06, 17/06/2013
.

(QNg)- Cứ đến mùa nắng, người dân ở thôn Kỳ Thọ Nam 1, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) lại đối mặt với cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.  Người dân phải đào giếng sâu hàng chục mét mới bắt được mạch nước ngầm. Nhưng từ tháng 5 trở đi giếng nào cũng trơ đáy...

TIN LIÊN QUAN


 
Dù ở tuổi 63, nhưng hằng ngày bà Bạch Thị Hương vẫn phải đi lấy nước về dùng. Mỗi ngày bà phải dùng xe đạp đi chở nước từ thôn kế bên về sinh hoạt. Bà thở dài : “Tháng trước, giếng  nhà tôi còn chút nước, nhưng mấy tuần nay nó trơ đáy”. Thiếu nước, người dân ở đây không thể phát triển chăn nuôi, sản xuất nên cái nghèo vẫn đeo bám lấy họ.

 

 Không có nước nên cánh đồng lúa Hố Sổ bị bỏ hoang.
Không có nước nên cánh đồng lúa Hố Sổ bị bỏ hoang.


Ông Nguyễn Ngọc Tạo- Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Thôn có gần 80 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. Cảnh thiếu nước này diễn ra từ nhiều năm qua. Nhiều gia đình phải sống trong cảnh chật vật, lo đối phó với tình cảnh thiếu nước nên cuộc sống bấp bênh. "Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với xã, huyện nhưng đến nay chưa có giải pháp khả thi. Nhiều đơn vị về khảo sát, khoan giếng tìm nước nhưng rồi người dân cũng nhận cái lắc đầu, vì không có nguồn nước"- ông Tạo nói.
 
Đáng lo ngại là, vì thiếu nước nên nhiều diện tích đất sản xuất bị hoang hoá, cây trồng khô héo. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng Hóc Hầu và đồng Hố Sổ, ông Nguyễn Sỹ Hải- Phó Chủ tịch UBND xã nói trong xót xa: Do thiếu nước tưới nên việc sản xuất ở hai cánh đồng này đều trông chờ vào nước trời. Nắng nóng những ngày qua đã làm nhiều diện tích lúa mới gieo sạ chết khô. Trước đây, Hợp tác xã nông nghiệp đắp đập bổi ở đồng Hố Sổ để tích  nước phục vụ sản xuất cho gần 20 ha. Nhưng vào mùa nắng thì đập này không đủ nước tưới nên người dân đành bỏ hoang ruộng. Một số hộ chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn như mè, đậu đỏ..., nhưng năng suất rất thấp.

Trước tình cảnh khó khăn do thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nhiều gia đình phải rời làng đi vào các tỉnh, thành phía Nam để mưu sinh lo cho cuộc sống gia đình. Theo thống kê chưa đầy đủ của chính quyền địa phương, hiện có đến 60% người dân trong thôn phải rời quê đi các tỉnh, thành phía Nam để mưu sinh.

Để minh chứng cho điều đó, ông Nguyễn Ngọc Tạo đưa chúng tôi đến nhà của anh  Phạm Văn Tâm, Nguyễn Chín ở kế bên và nói: Họ đi được vài tháng rồi. Bám trụ vùng đất này lấy gì mà sống. Đa số các gia đình ở lại là người già và gia đình công chức. Ông Tạo thổ lộ: “Nếu không nặng nợ với sự tín nhiệm của bà con thì tôi đã đi vào thành phố Hồ Chí Minh với vợ và ba đứa con để làm ăn rồi”. Vì cuộc sống khó khăn, vợ ông Tạo đã vào thành phố để buôn bán mưu sinh nuôi hai con ăn học. Đứa con lớn cũng đã ở lại đất Sài thành để làm việc. Ngôi nhà giờ chỉ một mình ông lủi thủi đi ra đi vào. “Tuy sống một mình nhưng hằng ngày cũng phải đi xin nước về dùng. Đàn ông thì sao cũng được chứ cánh phụ nữ thì còn khổ nữa”, ông Tạo nói.

Trao đổi về giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như để ổn định đời sống cho người dân thôn Kỳ Thọ Nam 1, ông Lê Quang Tịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: Huyện đã thuê đơn vị về khảo sát tại vùng đồng Hố Sổ để lập phương án xây dựng hồ chứa nước Hố Sổ. Dự kiến kinh phí khoảng 13 tỷ đồng, được xây dựng trên nền diện tích hơn 2ha, dung tích gần 1 triệu mét khối nước. Huyện đang trình dự án lên HĐND huyện để triển khai xây dựng trong năm 2014. Nếu hồ được triển khai sẽ đảm bảo tưới  cho 20 ha lúa 2 vụ và hàng chục ha đất hoa màu, đồng thời tạo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong vùng.

Hy vọng, tin vui này sớm thành hiện thực để người dân không còn cảnh rời làng đi mưu sinh vì thiếu nước.
 

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.