Phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân: Chú trọng nội dung tuyên truyền

09:10, 25/10/2014
.


(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi hiện có gần 35 nghìn ngư dân, chiếm khoảng 3% dân số toàn tỉnh. Ngư dân Quảng Ngãi không chỉ là nhân tố tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Do đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho ngư dân là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

“Phong trào mạnh mẽ”

Những năm qua, công tác PBGDPL cho ngư dân trên địa bàn tỉnh được triển khai rộng khắp, ngày càng đi vào chiều sâu. Các cơ quan, ban ngành đã phối hợp với các địa phương tổ chức hàng nghìn đợt tuyên truyền cho ngư dân các địa phương ven biển và hải đảo. Trong đó, Sở Tư pháp đã tổ chức gần 2.300 đợt với   khoảng 220 nghìn lượt người tham gia. Nhiều chuyên mục trên Báo Quảng Ngãi, Đài PT-TH tỉnh liên quan đến công tác tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho ngư dân.

 

Triển lãm chứng cứ lịch sử - pháp lý chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Lý Sơn góp phần giáo dục pháp luật, truyền thống lịch sử cho ngư dân.
Triển lãm chứng cứ lịch sử - pháp lý chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Lý Sơn góp phần giáo dục pháp luật, truyền thống lịch sử cho ngư dân.

Luật gia Nguyễn Thị Lan Anh - Trường Chính trị tỉnh, cho rằng: Nội dung và hình thức tuyên truyền PBGDPL ngày càng được đổi mới, thiết thực với ngư dân. Các cơ quan đã đầu tư nghiên cứu chuyển tải nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu, trong đó hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua tài liệu chuyên đề như tạp chí, băng đĩa, và tuyên truyền thông qua sóng phát thanh, truyền hình được sử dụng nhiều nhất. “Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân trên địa bàn tỉnh đã được đẩy lên thành một phong trào mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của dư luận cả nước”,  Luật gia Lan Anh, khẳng định.

Tuy vậy, công tác PBGDPL cho ngư dân Quảng Ngãi vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là, ngư dân là đối tượng đặc thù, hoạt động trên biển cả tháng, môi trường làm việc của ngư dân cực kỳ khắc nghiệt và nguy hiểm, tâm lý của ngư dân sau những chuyến đi biển thường xả hơi, nên việc tiếp cận họ để giáo dục pháp luật cũng khó đạt hiệu quả cao. Nội dung tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân chưa sát thực; chưa gắn với tư vấn pháp luật, thực hiện các thủ tục hành chính hoặc giải quyết các chế độ chính sách cụ thể. Các báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa thoát ra được tình trạng “đọc văn bản”, còn cứng nhắc trong việc trình bày các quy định pháp luật, thiếu sự mềm dẻo, linh hoạt, chưa trình bày được những vấn đề người nghe cần nên ít gây được sự hấp dẫn cho người nghe.  

Chương trình giáo dục đặc thù

Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Luật gia Lan Anh đề xuất: Quảng Ngãi cần xây dựng chương trình giáo dục pháp luật có tính đặc thù cho ngư dân. Bởi ngư dân Quảng Ngãi có truyền thống can đảm, kiên cường đã gắn chặt với quá trình xác lập, khai thác, bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt các thời kỳ lịch sử. Bên cạnh việc tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân về Luật Biển Việt Nam, Luật Biển quốc tế, các quy định về khai thác, đánh bắt thủy sản, cần thiết phải có nội dung giáo dục truyền thống, cung cấp các chứng cứ lịch sử - pháp lý, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về biển đảo.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc giáo dục pháp luật cần chủ động, sáng tạo lựa chọn những văn bản pháp luật phù hợp với tình hình địa phương và từng nhóm đối tượng. Hình thức tuyên truyền cũng cần thực hiện linh hoạt để phù hợp với thời gian làm việc của ngư dân. “Việc PBGDPL trực quan như: Xây dựng những video clip ngắn về những chứng cứ lịch sử - pháp lý chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tuyên truyền qua hệ thống radio, bằng tờ rơi; hình thức sân khấu hóa, diễn văn nghệ… cần được chú trọng thực hiện”, Luật gia Lan Anh, nói.

Ngoài ra, tỉnh cần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thực hiện PBGDPL ngày càng mang tính chuyên nghiệp, không chỉ tuyên truyền PBGDPL mà còn thực hiện cả công tác dân vận, hướng dẫn, tư vấn, động viên ngư dân. Đồng thời  ban hành cơ chế hỗ trợ, bồi dưỡng đối với các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để động viên, khuyến khích họ tích cực tham gia, đầu tư nghiên cứu sâu về công tác tuyên truyền.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.