Đường Di Lăng – Trà Lãnh: Mới làm đã xuống cấp

06:08, 15/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuyến đường Di Lăng – Trà Lãnh, nối huyện Sơn Hà và Tây Trà mới đưa vào sử dụng. Thế nhưng, hiện nay khi đi trên con đường từng được kỳ vọng sẽ tạo giao thương thuận lợi  cho người dân hai huyện vùng cao lại đang rơi vào cảnh hư hỏng nặng. Hiểm họa luôn rình rập người tham gia giao thông…

TIN LIÊN QUAN

 Xuống cấp

Tuyến đường Di Lăng – Trà Lãnh, có chiều dài khoảng 40km, đi qua các xã như Trà Lãnh, Trà Trung và thị trấn Di Lăng, được chia làm hai dự án. Trong đó, dự án đường Di Lăng – Trà Trung, được đầu tư xây dựng vào năm 2006 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2009 với tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Dự án đường Trà Trung – Trà Lãnh, có chiều dài hơn 10km, cũng mới đưa vào sử dụng. Sự kết nối hai dự án đã tạo ra trục giao thông quan trọng, giúp giao thương thuận lợi hơn.

 Sạt lở dễ xảy ra trong mùa mưa bão.
Sạt lở dễ xảy ra trong mùa mưa bão.


Thế nhưng, hiện nay, đi dọc tuyến đường được đầu tư hàng trăm tỷ đồng là cảnh hư hỏng nặng. Nhiều đoạn lớp nhựa bong tróc lộ lên lớp đá dăm lởm chởm. Có đoạn, mặt đường gồ ghề, nhựa đường bị xe tải chạy băm nát tạo ra sóng trâu…

Anh Hồ Văn Nhít, xã Trà Trung cho biết, từ ngày tuyến đường hình thành việc đi lại của người dân trong xã khá thuận tiện, nhất là đoạn Trà Trung đi Trà Lãnh. “Có đường nhựa nên đi huyện, hay có việc lên xã Trà Lãnh, nhanh và an toàn hơn. Nhưng chỉ được vài năm đầu, giờ đường hư hỏng nhanh quá, nhiều đoạn sạt lở, bong lớp nhựa nên đi nguy hiểm lắm!” – anh Nhít nói.

Không chỉ mặt đường, mà nhiều đoạn các bức tường bê tông xây dựng nhằm tạo ra tường ngăn chặn sạt lở cũng bị nứt toác. Có đoạn những khối bê tông nặng cả tấn vỡ vụn nằm chỏng chơ trên nền đường. Ngoài ra, hệ thống mương thoát nước dọc tuyến cũng bị hư và nhiều đoạn mất hoàn toàn công năng thoát nước mưa và chống xói lở nền đường.

Cần sớm khắc phục

Tuyến đường Di Lăng – Trà Lãnh có tầm quan trọng rất lớn đối với yêu cầu phát triển của các xã vùng cao. Trong đó, việc đưa vào sử dụng tuyến đường đã tạo bước ngoặt để xã vùng cao Trà Trung và các xã lân cận thoát thế bí về giao thương hàng hóa nông, lâm sản.

Thế nhưng, việc tuyến đường hư hỏng nặng đã khiến cho nhiều người dân bức xúc. Trong đó, không chỉ là việc đi lại khó khăn mà dọc tuyến đường này luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Nhiều đoạn, mặc dù hai đầu ở điểm sạt lở núi luôn có biển  cảnh báo người đi đường nhưng hiểm họa luôn rình rập và núi có thể sạt lở bất kỳ lúc nào.

Ngoài ra, tình trạng sụt lún, dọc tuyến cũng đang là nỗi lo lớn với người đi đường. Tại một số điểm qua xã Trà Trung, đường bị sụp một phần và chỉ được gia cố tạm thời bằng đất, đá và rọ sắt. “Tôi chạy xe tải chở keo thường xuyên trên tuyến đường này nên lo lắm! Có nhiều đoạn phải đánh vô lăng và đi thật chậm chứ chạy nhanh rất nguy hiểm do sụt lún hai bên lề đường khá nhiều” – anh Thiện, một người chạy xe tải cho biết.

Theo ông Hoàng Như Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, việc tuyến đường huyết mạch bị hư hỏng sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng là rất đáng lo ngại. Bởi nó không chỉ gây khó khăn trong giao thương mà còn ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế địa phương.

“Hiện chúng tôi đang tiến hành kiểm tra và sẽ có phương án khắc phục tạm thời những điểm bị sạt lở cũng như gia cố những đoạn có nguy cơ sạt lở để đảm bảo thông tuyến, nhất là trong mùa mưa lũ sắp đến. Việc khắc phục bức tường hộ lan chống sạt lở hay những đoạn bị hư hỏng lớn là chưa thể do huyện không có kinh phí. Huyện sẽ có kiến nghị đề xuất nguồn vốn sớm đầu tư khắc phục” – ông Lâm cho biết.
      

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.