Nỗi lo đường bộ thành... đường sông

08:07, 30/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ cần một đợt thủy triều dâng là con đường độc đạo từ xóm Cà Ninh, Suối Lùng, Thác Quỳnh, La Chung của thôn Phú Long 1, xã Bình Phước (Bình Sơn) ra đến trung tâm xã lại chìm trong nước. Nỗi khát khao có một con đường kiên cố, không sụt lún, sạt lở cứ thường trực trong tâm trí của hơn 300 hộ gia đình nơi đây.

Thấp thỏm sông “ngoạm” đường
    
Nhà ở ngăn cách với dòng sông Trà Bồng chỉ bởi con đường đất rộng hơn 1m, nên đối với bà Ngô Thị Cừu, 80 tuổi (ngụ tại thôn Phú Long 1, xã Bình Phước) chuyện nhà bị ngập nửa vách, hay nước “ngoạm” phăng con đường… đã không còn xa lạ. Đường đất lại nằm sát mé sông, nên con đường vào xóm Cà Ninh, Suối Lùng, Thác Quỳnh, La Chung (thôn Phú Long 1) thường xuyên bị ngập nước, xói mòn khiến việc đi lại của hơn 300 hộ dân ven sông gặp phải rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.

 

Năm nào, người dân Phú Long 1 cũng gánh đá đổ xuống sông để kè giữ con đường đất.
Năm nào, người dân Phú Long 1 cũng gánh đá đổ xuống sông để kè giữ con đường đất.


Để có thể “sống chung” với cảnh đường ngập lại sụt lún, ở 4 KDC trên, nhà nào cũng tự trang bị cho mình vài chiếc ghe hoặc thuyền thúng phòng lúc đường bị chia cắt khi thủy triều lên, hoặc mùa mưa lũ về. Không những thế, công tác phòng chống sạt lở cũng được mọi người tranh thủ bắt tay vào làm ngay trong mùa nắng bằng cách gánh đất đá đổ xuống mép sông để “kè” chặt con đường. Bỏ nhiều công sức, nhưng sự hợp lực của 300 hộ dân vẫn chẳng thể “thắng” được sự hung hãn của dòng sông Trà Bồng.

Là tuyến đường độc đạo dẫn đến trung tâm xã của hơn 300 hộ dân, nhưng lòng đường chỉ rộng hơn 1m khiến những hộ dân sống nơi mé sông phải chịu nhiều thiệt thòi. “Ở đây, tiền xây nhà với tiền vận chuyển vật liệu ngang ngửa nhau. Bởi đường nhỏ, xe tải không vào được, nên phải thuê người vận chuyển từng bao xi măng, cát, sỏi… bằng xe máy, xe đạp”, bà Huệ nhẩm tính.

Dân hiến đất, đường cũng chẳng xong

Năm 2004, UBND xã Bình Phước có kế hoạch mở rộng tuyến đường liên thôn Phú Long 1. Quyết định trên được người dân Phú Long 1 đồng tình ủng hộ. Bởi ai cũng mong mỏi được thoát khỏi cảnh chật vật với con đường hẹp. Người dời hàng rào cho đường đi qua, người hiến đất…đoạn đường liên thôn được nâng cấp cao ráo hơn mặt đường cũ gần 2m, lòng đường cũng mở rộng thêm 4m nên không còn dễ dàng bị sụt lún hay sạt lở. Tuy nhiên, đáng tiếc là dẫu đã “khoan thư được sức dân”, nhưng vì thiếu kinh phí nên UBND xã Bình Phước chỉ có thể mở rộng được khoảng 800m đường, 5km còn lại thì đành để nguyên hiện trạng.

Ông Mai Vàng, người có nhà nằm ngay vị trí giáp ranh giữa phần đường đã mở rộng và phần đường cũ cho biết, đường làm đến sát nhà tôi thì ngừng. Nên tôi tự lấy đất vườn và bỏ thêm gần 10 triệu đồng để tiếp tục mở rộng phần đường ngang qua nhà tôi. Tốn kém nhưng phải chịu, miễn sao đường cao ráo và đi lại an toàn hơn.

Ông Nguyễn Thế Nhân-Chủ tịch UBND xã Bình Phước trăn trở: “300 hộ dân tại 4 KDC thôn Phú Long 1, ai cũng sẵn sàng hiến đất để mở rộng đường. Địa phương cũng nhiều lần đề xuất lên huyện. Nhưng vì kinh phí để xây dựng tuyến đường này khá lớn, nên sau 4 năm đề xuất, dù người dân lẫn chính quyền địa phương đều mong mỏi, nhưng kế hoạch mở rộng tuyến đường trên đành “dậm chân tại chỗ”.

 

Bài, ảnh: Ý THU
 


.