(Baoquangngai.vn)- Mùa nắng nóng chỉ mới bắt đầu, thế nhưng hàng trăm hộ dân huyện miền núi Tây Trà đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chật vật... vì thiếu nước
Nắng nóng kéo dài, khiến mạch nước ngầm giảm sút, sông suối cạn kiệt, hệ thống nước sinh hoạt không còn đủ khả năng cung cấp cho người dân, điều đó đồng nghĩa với việc đồng bào vùng cao Tây Trà ở phải sống trong cảnh "khát"… nước.
Xã Trà Phong mặc dù nằm ở trung tâm huyện, song cảnh thiếu nước sinh hoạt đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Người dân ở đây phải đi tìm nước từng bữa hoặc đi xa hàng cây số để lấy nước. Có đủ nước để dùng trong sinh hoạt hàng ngày là mơ ước của người dân nơi đây trong mùa nắng nóng này.
Người dân xã Trà Phong phải dùng can nhựa hứng từng giọt nước đem về nhà sử dụng. |
Giữa trưa nắng gay gắt, chúng tôi bắt gặp chị Hồ Thị Lương ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong cùng với những người dân khác trong thôn đang dùng can nhựa hứng từng giọt nước chạy ra từ đường ống nước dẫn từ khe suối trên núi cao về. Do lượng nước chảy về rất yếu nên phải rất lâu, chị Lương mới hứng được một can nhựa khoảng 5 lít nước mang về.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Lương cho biết: Để có nước sinh hoạt, gia đình tôi cùng với mấy hộ sống gần nhà trong thôn góp tiền làm chung một đường ống dẫn nước từ khe suối sâu trong núi về sử dụng. Vào mùa mưa nước trong khe chảy đều nên cũng đủ nước dùng. Đến mùa nắng nóng trong khe cạn, nước hiếm lắm, phải hứng từng giọt có khi hứng cả ngày vẫn không đủ dùng”.
Do khan hiếm nước nên việc sử dụng nước ở đây phải rất tiết kiệm và tuân theo quy trình nghiêm ngặt, nước mang về chỉ dùng để nấu nướng, rửa rau, đánh răng, rửa mặt, rửa chân tay, còn giặt giũ, tắm rửa người dân đều kéo nhau ra suối. Thậm chí, thiếu nước, không ít người cả tuần mới ra suối tắm một lần.
Hằng ngày, người dân ở trung tâm huyện Tây Trà kéo nhau ra suối Kem để tắm |
Những ngày này, dòng suối Kem cách trung tâm huyện Tây Trà khoảng 2km, ngày nào cũng đón hàng trăm lượt người kéo nhau đến đây để tắm, giặt. Đoạn suối này chính là "hồ bơi" không chỉ cho người dân địa phương mà còn cho không ít cán bộ miền xuôi lên đây công tác trong mùa nắng nóng này.
"Năm nào đến mùa hè ở đây cũng thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Hiện nay, nguồn nước duy nhất để phục vụ cho bà con địa phương là lấy từ suối. Ngay chính gia đình tôi hằng ngày cũng phải ra suối Kem để tắm giặt. May mà có dòng suối này, chứ không thì không biết lấy đâu ra nước để sinh hoạt, tắm giặt hàng ngày "-ông Trương Ngọc Đông- Chủ tịch UBND xã Trà Phong cho biết.
Chỉ biết chờ mưa!
Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài nhiều năm nay, một số hộ gia đình ở trung tâm huyện Tây Trà khoan giếng ở độ sâu 30- 40m để lấy nước sinh hoạt. Song kinh phí để khoan giếng lên đến 30-40 triệu đồng/giếng, là số tiền khá lớn ngoài khả năng đối với không ít hộ dân ở đây, nên nhiều hộ phải chọn cách sống chung với "khát" và chạy nước từng bữa.
Trong khi dân nghèo vừa lo cái ăn, lo khát, thì công trình Hệ thống cấp nước sinh hoạt Trung tâm huyện Tây Trà xây dựng trên địa bàn xã Trà Phong, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng thời điểm này đang trong tình trạng "đắp chiếu".
Có đủ nước để dùng trong sinh hoạt hàng ngày là mơ ước của người dân trong mùa nắng nóng |
Suối cạn, giếng khô nước, công trình nước sạch không phát huy hiệu quả... dẫn đến hệ quả người dân chỉ còn biết thắt lòng ngóng chờ "ông trời" ban phát những hạt mưa hiếm hoi để giải quyết cơn khát… nước sinh hoạt.
"Ngày trước rừng còn nhiều, khe suối, giếng đào của người dân trong thôn luôn đầy nước. Thế nhưng từ mấy năm nay, hè về suối lại cạn nước, giếng cũng khô rang... nên cuộc sống của người dân chúng tôi vốn dĩ khó khăn nay càng khó khăn hơn, giờ người dân chúng tôi chỉ mong trời mưa để có nguồn nước sinh hoạt."- ông Hồ Văn Tiến ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong bày tỏ.
Giải pháp nào để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân là vấn đề không phải bây giờ các cấp, ngành cũng như chính quyền địa phương huyện Tây Trà mới đặt ra, song vì nhiều lý do, sự quan tâm đầu tư vẫn chưa mang lại kết quả bền vững. Bao giờ Tây Trà hết "khát" vào mùa nắng nóng vẫn là câu hỏi còn bỏ ngõ.
Bài, ảnh: Bảo Ngọc