Nghĩa Thọ: Dân khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt

10:04, 18/04/2012
.

(QNg)- Cuộc sống của hàng trăm hộ dân người dân tộc Hrê ở xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù đã nhiều lần "kêu cứu", song tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn lặp lại ngày qua ngày...
 

TIN LIÊN QUAN


Cuộc sống khó khăn

Chị Phạm Thị Su (38 tuổi), ở xóm Nước Ngọn, thôn 2, xã Nghĩa Thọ) thở dài: "Sáng gánh, tối gánh, ngày nào cũng đi gánh nước. Đi bộ gần nửa tiếng mới tới giếng. Đường đi đèo dốc. Khổ lắm". Chị Su cho biết gia đình chị đã 3 lần đào giếng, nhưng lần nào cũng không "bắt" được con nước. Thế nên gia đình chị đành sống trong cảnh "khát" nước. Muốn nuôi heo để tăng thu nhập nhưng "bó tay" vì người còn thiếu nước dùng, lấy đâu lo cho heo. "Mùa này còn đỡ, chứ đến tháng 5, tháng 6 thì phải thức dậy lúc 4h sáng đi gánh nước. Chỉ có mỗi cái giếng nhưng mấy chục nhà múc. Nhiều hồi nước đục cũng phải múc, múc nước lẫn cát, sạn ở đáy giếng… không thì lấy đâu mà dùng", chị Su bộc bạch.

Nhiều giếng nước bị khô, cả xóm Phú Lý dùng chung giếng nước nhà ông Phạm Thết.
Nhiều giếng nước bị khô, cả xóm Phú Lý dùng chung giếng nước nhà ông Phạm Thết.


Tình trạng thiếu nước sạch kéo theo nhiều khó khăn cho người dân trong cuộc sống thường nhật. Người dân ở xóm Nước Ngọn cho biết, đi gánh nước vất vả nên nhiều gia đình từ già đến trẻ đều ra suối tắm. Thậm chí nhà có tiền, có gạo, nhưng có bữa đành nhịn đói vì trong nhà không có nước để nấu cơm. Ông Phạm Văn Ưng-Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thọ cho biết: Không riêng gì người dân ở xóm Nước Ngọn mà người dân ở các xóm Phú Lý, Cây Da, Đá Bàn cũng lâm vào tình trạng khó khăn, do thiếu nước sinh hoạt. Toàn xã có đến hơn 200 hộ dân "rơi" vào tình cảnh nói trên. Theo ông Phạm Văn Ưng thì nguyên nhân là do điều kiện địa hình, phần lớn giếng đào, giếng khoan không phát huy hiệu quả do gặp phải đá bàn. Có giếng khoan với độ sâu 50m nhưng vẫn không có nước.

Nhiều dự án "phá sản"   

Trước khó khăn mang tính cấp thiết của người dân ở xã Nghĩa Thọ, nhiều tổ chức triển khai dự án hỗ trợ người dân có nguồn nước phục vụ đời sống sinh hoạt. Thế nhưng không ít dự án "phá sản", công trình xây dựng rồi bỏ hoang. Ông Phạm Văn Ưng cho hay, năm 2005 chương trình RUDEP (Chương trình phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi) hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt phục vụ cho người dân ở hai xóm Nước Ngọn và Cây Da, nhưng từ lâu không phát huy tác dụng. "Kế hoạch ban đầu của dự án là làm công trình dẫn nước từ núi Hòn Gai xuống địa bàn dân cư, nhưng sau đó thì họ dùng mô-tơ bơm nước giếng vào bể chứa để dân sử dụng. Được 1 năm thì công trình này bỏ hoang cho đến nay", ông Ưng nói.   

Ở xóm Phú Lý nhiều giếng nước do chương trình Việt-Úc tài trợ cũng không thoát khỏi tình trạng trơ đáy. Xóm Phú Lý có 7 cái giếng, song hiện  chỉ có 1 cái giếng nhà ông Phạm Thết là có nước. Ông Phạm Thết cho hay, mùa nắng nóng phải hết sức tiết kiệm, thậm chí không dám tắm, để dành nước cho bà con sử dụng phục vụ việc ăn uống. Người dân ở Phú Lý thiếu nước sinh hoạt triền miên. Bà con tốn công, tốn của đào giếng, khoan giếng nhưng đành lấp bỏ vì không tìm được nguồn nước. Không thể sống nếu thiếu nước, thế nên bà con ai nấy cũng đều đổ xô đi gánh nước. Nhiều hộ gia đình phải cuốc bộ gần 1 cây số mới gánh được nước. Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn khi thiếu nước sinh hoạt.  

Hiện tại, nắng nóng chỉ mới ở giai đoạn "đầu mùa". Thế nhưng những giếng nước thuộc vào hàng "hiếm" ở xã Nghĩa Thọ đã bắt đầu cạn. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây sống trong cảnh lo lắng, khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ  
 


.