(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 8.8.2013 đã đánh dấu sự kiện quan trọng của người dân thôn Ba Nhà, xã Ba Giang (Ba Tơ). Ngày ấy, nơi đây cùng với nhiều địa phương khác của huyện Ba Tơ đã được công nhận là An toàn khu (ATK) của Trung ương trong thời kỳ chống Pháp.
Chúng tôi về ATK Ba Nhà đúng vào dịp huyện Ba Tơ tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận xã Ba Giang là An toàn khu thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Nắng sớm vừa lên, già trẻ, gái trai từ khắp các thôn đã có mặt đông đủ để vui niềm vui chung “ATK” được tổ chức trước sân trụ sở UBND xã.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Nay thì khác xưa nhiều lắm !”
ATK Ba Nhà là địa bàn xa nhất của xã Ba Giang. Thôn Ba Nhà có 4 khu dân cư nhưng chỉ có 2 khu dân cư có đường giao thông đi lại bằng xe máy, còn hai khu dân cư khác là Gò Xuyên, Gò Lút vẫn là đường mòn, chỉ đi bộ. Biết khó nhưng chúng tôi quyết định chọn Gò Xuyên để đến trong chuyến đi này. Đồng hành với chúng tôi là già làng Phạm Văn Tường.
Nhà sàn của đồng bào Hrê ATK Ba Nhà. |
Hẹn trước, già Tường đón chúng tôi ở ngã ba Dốc Sung – nơi trước đây Đội Du kích Ba Tơ thường tổ chức hội họp triển khai việc nước. Hơn 3 tiếng đồng hồ vượt núi, lội suối về với Gò Xuyên, già Tường kể rất nhiều chuyện của “cái ngày được phục vụ cho Đội Du kích Ba Tơ”. Ông kể lại rằng, hồi ấy ông chỉ cao bằng cây chuối non đầu làng. Nhỏ thó nhưng rất được việc. Cha mẹ ông không rành tiếng Kinh nhưng hiểu việc nước và thương bộ đội mình lắm. “Cả thôn Ba Nhà xưa chỉ có 3 ngôi nhà sàn lụp sụp, lọt thỏm giữa đại ngàn âm u. Nay thì khác xưa nhiều lắm rồi! Đường chưa to nhưng đã thành lối hẳn hoi. Trẻ con được đi học. Gia đình nào cũng có nhà sàn để ở, có ruộng, có rẫy. Nồi cơm đều ấm mỗi ngày” – già Tường nói trong niềm vui.
Câu chuyện của già Tường làm bước chân cả đoàn vơi mệt. Khu dân cư Gò Xuyên hiện ra dưới tán rừng sớm hơn với dự đoán của chúng tôi. Ngôi nhà sàn khang trang đầu tiên ở Gò Xuyên mà chúng tôi đến thăm là nhà Bí thư Chi bộ thôn Ba Nhà Phạm Văn Lâm. Hồn hậu, tự nhiên, ông rót chè xanh mời mọi người. Câu chuyện về ATK thời chiến đã lắng lại. Một vùng ATK Gò Xuyên hồi sinh sau ngày giải phóng đã chiếm trọn quãng thời gian hơn nửa ngày chúng tôi lưu lại nơi đây.
Tính đến mùa xuân này, Gò Xuyên có 26 hộ đồng bào Hrê sinh sống. Nhà sàn, mái ngói, tường gỗ, sạch sẽ thoáng mát. “Trên có núi, dưới có sông, có đất trồng, có rừng che chở” – Bí thư Chi bộ Phạm Văn Lâm cười khà bảo với chúng tôi.
Theo người đảng viên nhiều tuổi Đảng nhất thôn này, cuộc sống giữa thâm sâu không chợ, không đường giao thông đã tạo ra cho đồng bào Hrê Gò Xuyên tính chủ động cao trong cuộc sống. Ông Lâm giới thiệu với chúng tôi về “chòi lúa chống đói” của dân làng. Những chiếc chòi gỗ lợp ngói nhỏ xinh mùa giáp hạt vẫn còn đầy lắm…
Hôm nay ở Gò Xuyên bạt ngàn những rẫy keo xanh rì đang mùa thay lá mới. Những khoảnh rừng bên đầu con suối K’ra là những rừng cây lấy gỗ được người làng trồng làm “của để dành cho con cháu”, nay đã to bằng bắp đùi. Dưới chân nhà sàn là ớt rừng, rau má, cây sả, cây gừng chen nhau mọc… “Toàn khu dân cư vẫn còn hơn 10 hộ nghèo nhưng đều rơi vào hộ có người già yếu, mất sức lao động. Cái đói thì không còn. Hầu hết người dân ở đây đang được hưởng các chính sách dân tộc miền núi. Cuộc sống cũng đỡ khổ đi rất nhiều!” – Bí thư chi bộ Phạm Văn Lâm tâm sự.
Gò Xuyên mùa này ngày thưa nắng lắm. Gian nhà sàn của chị Đinh Thị Ly nằm dưới tán rừng già dù ban ngày vẫn tối sập, phải bật điện 24/24. Nhìn chiếc bóng điện nhỏ treo trên cao, chị Ly khoe: “Điện dân tự sản xuất đấy! Mua máy phát về đặt ở con suối K’ra trên dốc kia. Nước chảy, điện phát sáng cả ngày đêm”. Nhà chị Ly còn có cả hệ thống nước sinh hoạt lấy từ con suối P’róc dẫn về tận chân nhà sàn. Nước trong veo và mát rượi.
Điểm trường Gò Xuyên chiều cuối tuần 16 em học sinh được nghỉ sớm. Nhà sát trường mấy bước chân, bọn trẻ cất tập vở ở lớp, chạy ù một cái là đến nhà. Cực nhọc thuộc về các thầy giáo cắm bản. Đầu tuần lên núi với mắm muối, cá khô, còn gạo người dân Gò Xuyên giúp đỡ. Cuối tuần thầy lại xuống núi, thăm gia đình và chuẩn bị cho một tuần học mới.
Mảnh đất nghĩa nặng tình sâu
Chúng tôi rời Gò Xuyên mang theo nhiều điều bất ngờ, thú vị ở vùng ATK này. Con đường mòn dài 8 cây số như ngắn hơn ban sớm. Chúng tôi được già làng Phạm Văn Tường mời ghé thăm nhà. Nhà của ông ở xóm Vãi K’ra, thuộc thôn Ba Nhà nhưng gần với trung tâm xã Ba Giang. Căn nhà sàn thâm nâu mà già Tường làm cách đây gần 20 năm, hôm nay rất đông đồng bào trong làng đến chơi. Những ché rượu cần (K’rỏ), những bộ chiêng ba đã bày sẵn dưới nền sàn. Già Tường giới thiệu chúng tôi với người làng bằng một tràng tiếng Hrê. Dứt lời, hồi chiêng ba đón khách nổi lên rộn rã thay cho pháo tay. Cứ thế, họ vừa đánh chiêng, vừa thưởng thức K’rỏ.
Phó Trưởng thôn Ba Nhà Phạm Văn Chét là một chàng trai mới ngoài 20 tuổi nhưng đánh chiêng rất điêu luyện. Anh bảo: “Đàn ông Ba Nhà ai cũng biết đánh chiêng, làm nhà, cày ruộng. Khi làng có khách quý, ngày tết hay đám cưới... mỗi nhà đều phải tự giác mang chiêng quý đến đánh góp vui. Hôm nay là ngày vui của làng vì được công nhận là vùng ATK”. “Ông” phó trưởng thôn còn khoe rằng, ở Ba Nhà, gia đình nào cũng có chiêng Ba. Ai mà nghe lời kẻ xấu bán chiêng đi là bị làng phạt.
Già Tường dẫn chúng tôi đi thăm thương binh Phạm Văn K’rí. Năm nay cụ K’rí đã 94 tuổi- người cao tuổi nhất của vùng ATK Ba Nhà. Ông là người đã trực tiếp góp sức cùng với Đội Du kích Ba Tơ trong những ngày hoạt động ở Ba Nhà. Nghe tin Ba Nhà được công nhận là vùng ATK, ông vui lắm. Chỉ tiếc là cái tuổi đã bắt ông nằm một chỗ, không thể xuống núi cùng hát K’lêu, K’choi với đồng bào mừng ngày vui ATK.
Già Tường bảo, chính cụ K’rí là người đã dạy cho dân làng cách sống đoàn kết, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, Bác Đồng, cố gắng bám đất, bám rừng làm ăn, vươn lên thoát nghèo, biết kính trọng thương yêu giúp đỡ nhau. Nghe lời cụ K’rí, cả làng mình mấy chục năm nay bình yên lắm, không đánh nhau bao giờ. Ba Nhà bây giờ các em trong độ tuổi đều được đi học. Trong thôn đã có một em đang học đại học kinh tế, hai em học trung cấp công an.
Nổi cồng chiêng mừng ngày Ba Nhà được công nhận An toàn khu. |
Sở hữu một vùng đất ATK, Ba Nhà vừa có rừng già, suối trong. Vẻ nguyên sơ của thời kháng chiến vẫn còn đâu đó. Biểu hiện rõ nhất là cách ứng xử của người dân trong làng đầy nghĩa tình, sẻ chia. Về Ba Nhà, chúng tôi đã gặp nhiều cụ ông, cụ bà từng một thời tham gia kháng chiến. Cụ Hồ Thị Mai – năm nay 78 tuổi, ngày xưa cụ từng dùng thuốc nam giúp bộ đội chữa khỏi vết rắn cắn, sốt rét. Có nhiều anh bộ đội xem cụ Mai là ân nhân, hằng năm đều đặn về thăm cụ. “Già rồi lẩm cẩm chẳng nhớ nổi tên bộ đội nữa, nhưng lá cây rừng làm thuốc thì còn nhớ nhiều lắm!”– cụ Mai bảo...
Mải chuyện trò, chiều tối ập đến lúc nào không hay biết. Bữa cơm đồng bào Hrê Ba Nhà đãi chúng tôi là món ếch núi khô treo trên giàn bếp mà tiếng đồng bào gọi là “Kro Kệt Rồm”. Đó là món đặc sản được ví như cua, tôm dưới xuôi vậy. Thưởng thức Kro Kệt Rồm chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện ngày xưa người làng đi núi bắt ếch làm thức ăn thay cho cá, thịt, giúp Bộ đội Cụ Hồ có sức khỏe đánh giặc…
Mỗi một góc rừng, mỗi lối mòn, từng con suối đều ghi dấu chân Bộ đội Cụ Hồ năm xưa nơi vùng căn cứ ATK Ba Nhà. Hôm nay, Ba Nhà có đến 226 nóc nhà, cuộc sống đã nhiều đổi thay nhưng tấm lòng của đồng bào Hrê nơi đây với Đảng, cách mạng và Bác Hồ, Bác Đồng vẫn vẹn nguyên như ngày nào chỉ có 3 nóc nhà đơn sơ vậy…
Ghi chép của Thanh Nhị