“An toàn khu” Ba Tơ

04:10, 30/10/2012
.

(QNg)- Ba Tơ, mảnh đất “địa linh”. Chính tại đây, Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi đã có nhiều quyết định quan trọng, ảnh hưởng to lớn đến cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Ba Tơ được xem là “An toàn khu” của cách mạng.

TIN LIÊN QUAN


 Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều tên núi, tên sông, tên đất, tên làng của Ba Tơ đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng anh hùng của cả dân tộc.

VÙNG ĐẤT LỊCH SỬ

Sở dĩ Ba Tơ luôn được “lịch sử giao phó” những trọng trách quan trọng trong những năm chống giặc ngoại xâm, bởi trước hết đây là vùng núi non hiểm trở, gây khó khăn cho địch khi triển khai các phương tiện chiến đấu hiện đại. Nhưng ta thì lại có thể dùng mạng lưới đường mòn xuyên rừng chằng chịt để liên lạc với vùng Tây Nguyên và miền xuôi.

 

Cơ sở hạ tầng dưới chân núi Cao Muôn, căn cứ của Đội du kích Ba Tơ, đang ngày một phát triển.     Ảnh: MAI HẠ
Cơ sở hạ tầng dưới chân núi Cao Muôn, căn cứ của Đội du kích Ba Tơ, đang ngày một phát triển. Ảnh: MAI HẠ


Lịch sử Đảng bộ huyện Ba Tơ ghi nhận: Tháng 4/1930, đồng chí Nguyễn Nghiêm- Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Ngãi, đã lên Ba Tơ kiểm tra và quyết định thành lập Chi bộ Bãi Ri (xã Ba Động), chi bộ đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Bí thư Chi bộ là đồng chí Trần Toại. Trại cày Bãi Ri lúc này làm công tác tài chính và tuyên truyền của tổ chức Đảng. Từ cuối năm 1930, chi bộ Bãi Ri đã cử cán bộ hoạt động ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  


Tại Chòi canh Suối Loa (xã Ba Động), trưa ngày 11/3/1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp bàn phương án, kế hoạch cướp chính quyền, khởi nghĩa bằng lực lượng vũ trang. Chiều 11/3/1945, từ xã Ba Vinh, đội quân khởi nghĩa và quần chúng nhân dân đã nổi dậy. Đêm 11/3/1945, đội quân khởi nghĩa do Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách chỉ huy được sự hưởng ứng của nhân dân chiếm Nha Kiểm lý và đồn Ba Tơ. Sau đó, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động Ba Tơ, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Đội Du kích Ba Tơ chính thức ra mắt, là một trong những đội vũ trang tập trung thoát ly đầu tiên ở miền Nam Trung Bộ. Lịch sử Việt Nam hiện đại ghi nhận, khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên trong cả nước nổ ra và giành thắng lợi.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Ba Tơ lại có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm trên trục đường huyết mạch nối các huyện đồng bằng với Tây Nguyên. Xã Ba Giang là một trong những khu hậu cứ quan trọng của Quảng Ngãi. Các đơn vị như D20, Kim Sơn, C299... đã đóng quân ở Ba Giang suốt các thời kỳ kháng chiến. Đặc biệt nơi đây có khu căn cứ Ba Nhà, vừa là căn cứ của bộ đội, vừa là trạm xá, bệnh viện Quân khu. Từ những căn cứ ấy, ngày 30/10/1972, quân và dân Ba Tơ đã trở thành huyện đầu tiên của khu V được giải phóng và chống địch tái chiếm.

LÒNG DÂN TRỌN VẸN VỚI CÁCH MẠNG

“Ở Ba Tơ, cách mạng luôn có chỗ dựa vững chắc!”- câu khẳng định mộc mạc của ông Phạm Đức Trinh- Nguyên Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời Ba Tơ (giai đoạn 1970-1972), đã nói lên lòng yêu nước, tinh thần kiên trung, gan dạ của người dân Ba Tơ.

Sự đóng góp của người dân Ba Tơ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là hết sức lớn lao. Như có lần Thượng tá Lê Xuân Lĩnh- Chính ủy Trung đoàn 52, đơn vị quân đội chủ lực tham gia giải phóng Ba Tơ, nhấn mạnh: “Giữa nguy nan bao phủ, giữa vòng vây kềm kẹp, lùng sục, trấn áp khốc liệt của quân thù nhưng các lực lượng cách mạng của ta vẫn tồn tại và phát triển. Đó là nhờ nhân dân nơi đây luôn sẵn lòng hy sinh, chấp nhận đương đầu với lưỡi lê, nòng súng, ngục tù hiểm ác của kẻ địch để nuôi dưỡng, chở che, đùm bọc lực lượng cách mạng”.

Ngồi trò chuyện với ông Phạm Văn Lơ (70 tuổi, xã Ba Cung), một cựu chiến binh gắn bó với mảnh đất này gần cả cuộc đời, chúng tôi càng hiểu được vì sao Ba Tơ là địa phương 2 lần anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Ông Lơ tự hào bảo: “Trong kháng chiến, chúng tôi cùng đồng bào nhất tề xông lên giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của chi bộ đầu tiên ở Ba Tơ. Ngày nay, tôi lại được chứng kiến con cháu đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Ba Tơ để xây dựng quê hương giàu đẹp. Đó là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời tôi”.

 

ĐỀ NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CHO CHỦ TRƯƠNG LẬP HỒ SƠ CÁC XÃ AN TOÀN KHU (ATK)


Thời gian qua, UBND huyện Ba Tơ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND 6 xã, thị trấn gồm: Ba Động, Ba Thành, Ba Vinh, Ba Chùa, Ba Giang và thị trấn Ba Tơ thu thập thông tin, tư liệu, xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận xã An toàn khu (ATK). Ngày 24/5/2012, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lê Hàn Phong đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho huyện lập Hồ sơ và Đề án định hướng đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho 6 xã trên.  


 

ĐÌNH NGUYÊN


 


.