Sẽ khai thác có hiệu quả các lợi thế của An toàn khu để phát triển du lịch

02:11, 02/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 8.8.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1358/QĐ-TTg công nhận 5 xã và 1 thị trấn của huyện Ba Tơ thuộc vùng An toàn khu (ATK) của Trung ương ở tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bao gồm: xã Ba Chùa, Ba Động, Ba Giang, Ba Thành, Ba Vinh và thị trấn Ba Tơ. Để phát huy lợi thế đó trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển du lịch nói riêng,  phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Văn Néo – Phó Chủ tịch UBND huyện về vấn đề này.

*PV: Xin đồng chí cho biết, chính quyền và nhân dân Ba Tơ đón nhận sự kiện 5 xã và 1 thị trấn của huyện được Chính phủ công nhận là ATK của Trung ương như thế nào?

*Đồng chí Phạm Văn Néo: Phải nói rằng, việc Chính phủ có quyết định công nhận 5 xã và 1 thị trấn của huyện là vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là một sự kiện đặc biệt quan trọng, là vinh dự không chỉ riêng cho đảng bộ, quân và dân huyện Ba Tơ mà còn là của cả tỉnh Quảng Ngãi. Để người dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ về tầm quan trọng của  ATK, trong thời gian qua huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống của đất và người các địa phương này. Đây là những nơi đã bảo vệ cán bộ cách mạng, trong đó có Đội du kích Ba Tơ trước đây và đã làm nên những chiến công hiển hách, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

*PV: Ba Tơ sẽ phát huy lợi thế này như thế nào, thưa đồng chí?

*Đồng chí Phạm Văn Néo: Các xã, thị trấn vừa được công nhận xã ATK  có rất nhiều địa điểm, di tích lịch sử gắn liền với cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ năm xưa và các thời kỳ cách mạng sau này, như núi Cao Muôn, hang Én, chòi canh Suối Loa, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Ba Tơ, di tích chiến khu Nước Lá, bến đò, chợ phiên…Những di tích này, trong những năm qua đã được đầu tư xây dựng các bức phù điêu, làm bia tượng niệm, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp và làm cũng đã lâu nên hiện nay đã xuống cấp. Các tuyến đường vào các khu di tích, địa điểm này còn rất khó khăn nên chưa phát huy lợi thế này trong phát triển du lịch. Đây cũng là vùng đất còn lưu giữ nhiều nét đẹp của văn hoá truyền thống trong đồng bào dân tộc Hrê. Và trong giai đoạn phát triển, hội nhập hiện nay, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá đó là cần thiết. Nếu không phục dựng và truyền dạy cho lớp trẻ thì sẽ bị mai một theo thời gian.

 

Ngày 8.8.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1358/QĐ-TTg công nhận 5 xã và 1 thị trấn của huyện Ba Tơ thuộc vùng An toàn khu của Trung ương ở tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bao gồm: xã Ba Chùa, Ba Động, Ba Giang, Ba Thành, Ba Vinh và thị trấn Ba Tơ. Theo quyết định này, Chính phủ giao tỉnh Quảng Ngãi chủ động lập, phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho các xã thuộc vùng An toàn khu, huyện Ba Tơ, nhằm tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng căn cứ cách mạng.

Do đó, việc đầu tư tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hoá truyền thống trong khu ATK hiện nay là rất cần thiết. Nó không chỉ có giá trị giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho thế hệ trẻ, mà còn góp phần hình thành các tour tham quan, du lịch về nguồn, kết hợp với các danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện, như thác Lệ Trinh ở Ba Chùa, hồ Tôn Dung ở thị trấn Ba Tơ.

Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế- xã hội cho các xã, thị trấn này, đặc biệt là cơ sở hạ tầng; các thiết chế văn hóa; đào tạo nguồn lực cán bộ, nâng cao dân trí. Bởi lẽ, các địa phương này phần lớn nằm trong diện xã khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn còn cao.

*PV: Nghĩa là, nội lực các địa phương này rất khó để tự vươn lên phát triển?

*Đồng chí Phạm Văn Néo: Đúng vậy. Chỉ có thị trấn Ba Tơ có đời sống kinh tế- xã hội khá hơn một chút. Các xã còn lại đều là xã nghèo. Kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển nông- lâm nghiệp, hộ gia đình chính sách chiếm phần lớn... Trong những năm qua, các địa phương này nhận được sự quan tâm rất lớn của Trung ương, tỉnh và huyện, nhưng nhìn chung kinh tế vẫn còn chậm phát triển. Quan điểm của huyện là, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện nói chung và các xã trong khu ATK nói riêng phải đi đôi với việc nâng cao dân trí, bảo tồn, nâng cấp và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống của cộng đồng người dân Ba Tơ.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó thì Đề án phát triển kinh tế- xã hội các xã trong khu ATK cần sớm được Chính phủ và tỉnh cho triển khai thực hiện.


* PV: Xin cảm ơn đồng chí !


P.ĐỨC – X.THIÊN
(thực hiện)
 


.