Bất an với sạt lở núi

10:11, 03/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa mưa chỉ mới bắt đầu, nhưng trên địa bàn 6 huyện miền núi, tình trạng sạt lở núi diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiều điểm dù trước mùa mưa đã được cảnh báo gia cố nhưng vẫn sạt lở. Có điểm không nằm trong danh sách “cảnh báo” cũng sạt lở theo.

TIN LIÊN QUAN


Từ cuối tháng 9, khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống thì cũng là lúc các địa phương miền núi trên địa bàn tỉnh đau đáu nỗi lo từ những ngọn núi đang chờ… sạt. Mới đây nhất là các hộ dân sống dưới chân núi Cà Vãi, thuộc thôn Làng Dầu, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) một phen hốt hoảng khi hàng chục khối đất đá từ giữa ngọn núi đổ nhào về phía các ngôi nhà.

 

Hiện trường vụ sạt lở đường Trường Sơn Đông qua địa phận xã Sơn Bua (Sơn Tây).
Hiện trường vụ sạt lở đường Trường Sơn Đông qua địa phận xã Sơn Bua (Sơn Tây).


Những năm qua, các cấp, ngành luôn quan tâm chỉ đạo khắc phục, gia cố nhằm chống chọi lại tình trạng sạt lở ở những điểm xung yếu. Tuy nhiên, dường như năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa tình trạng này lại tái diễn. Một số địa điểm, tình trạng sạt lở diễn ra cho thấy tính chất rất bất thường. Như vào giữa tháng 9 vừa qua, tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Sơn Bua (Sơn Tây), chỉ sau một đêm đã chia cắt giao thông trên trục đường huyết mạch khi mà hơn 30m chiều dài đoạn đường đổ nhào xuống vực sâu để lại phía trên là một con đường “gãy” nhịp.

Nếu như vào đầu tháng 8, đi qua đoạn đường này không ai nghĩ sẽ bị sạt lở bởi mặt đường được đầm và bê tông nhựa khá tốt, bờ taluy đường cũng được các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, gia cố. Vậy mà chỉ sau một trận mưa, đoạn đường trên đã biến mất. Đến nay sau nhiều nỗ lực ngành giao thông cơ bản đã “nối nhịp” con đường, nhưng thiệt hại do sạt lở gây ra là rất lớn.

Hay như tuyến đường Sơn Tân-Sơn Lập, dù được kiểm tra, cảnh báo nhưng cứ vào mùa mưa, những ngọn núi vốn sừng sững giữa đại ngàn như thể chẳng bao giờ “bứng” được, lại đổ nhào chỉ sau một vài trận mưa dai dẳng, gây ách tắc giao thông và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người tham gia giao thông trên trục đường này. Còn trên Quốc lộ 24C nối giữa 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam bị chia cắt ở khu vực đèo Eo Tà Mã, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) với hàng ngàn mét khối đất đá đổ xuống đường gây ách tắc hoàn toàn hoạt động giao thông trên tuyến sau bão số 11.

Tình trạng sạt lở núi những ngày vừa qua ở một số khu vực khiến người dân vô cùng lo sợ. Nhiều khu dân cư nằm trong vùng nguy hiểm đã được lệnh di dời khẩn cấp. Thế nhưng, với người dân ở các vùng này thì việc dù có di dời đến nơi an toàn rồi, nhưng cũng chẳng an tâm là bao, bởi khi đã an toàn thì họ phải quay về nơi ở cũ và mưa xuống họ lại… di dời. Ở xã Trà Lâm là một ví dụ, trước mùa mưa mỗi người dân ở thôn Trà Khương lại phải tự dựng cho mình một “ngôi nhà” ở nơi an toàn để có nơi lưu trú mỗi khi mưa to gió lớn và đất rung chuyển.

 Không chỉ người dân sống dưới các chân núi mà ngay cả người tham gia giao thông trên các trục đường ở miền núi cũng nơm nớp lo sợ bởi chẳng ai biết núi đổ lúc nào.  Tình trạng sạt lở núi hiện nay rất phức tạp, đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân. Cách đây không lâu, trên tuyến đường Trà Bồng-Tây Trà, sạt lở núi đã cướp đi tính mạng của cô giáo Huỳnh Kim Yến và vùi lấp hai giáo viên khác khi từ Tây Trà về Trà Bồng.

 Theo Sở GTVT thì trước khi mùa mưa bắt đầu Sở đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra và đã có những cảnh báo về tình trạng sạt lở ở các tuyến đường cũng như chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khẩn nhưng tình trạng sạt lở diễn ra quá bất thường và nhiều điểm nằm ngoài cảnh báo vẫn sạt lở nên cũng gây không ít khó khăn cho công tác duy tu, bảo dưỡng.

Cũng theo Sở GTVT, sau bão số 11 có 16 tuyến tỉnh lộ bị sạt lở, với khối lượng đất đá 9.000m3; 33 tuyến đường huyện bị sạt lở với khối lượng 16.500m3; các tuyến đường giao thông nông thôn cũng bị hư hỏng nặng với 17 tuyến sạt lở. Ngoài ra, cơn bão số 11 đã làm 6 cầu, cống kiên cố bị hư hại.


    Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.