(QNg)- Công trình hồ chứa nước Nước Trong đang trong giai đoạn hoàn thiện. Con đập chính bằng bê tông thẳng tắp vắt ngang sông Nước Trong đẩy mực nước lòng hồ dâng cao vài chục mét. Và lòng hồ này đã bị nhiều người biến thành “đường đi” cho cuộc mưu sinh phi pháp...
Lợi dụng hồ vận chuyển lâm sản trái phép!
Chiều mưa, chúng tôi lên xã Sơn Bao (Sơn Hà) đến hồ chứa nước Nước Trong. Vào vai một người về lòng hồ mua gỗ, không khó để tiếp cận với chủ gỗ ở đây. Họ giới thiệu về “khả năng” đáp ứng nguồn hàng chắc nịch, nhưng hẹn giao hàng ở một địa điểm nơi khác chứ không phải ngay bên lòng hồ. “Tin nhau thì ứng tiền ra trước. Không cần viết giấy tờ. Khi nào hàng qua hồ trót lọt sẽ liên lạc để giao ngay”- người đàn ông trung niên, da đen tên Tuấn nói nhát gừng với chúng tôi. Mặc dù chúng tôi cố nấn ná kéo dài câu chuyện nhưng không được. Dường như ông Tuấn không thích nói nhiều.
Quay xe ngược lại con đường phía nam chạy bao quanh lòng hồ, chúng tôi gặp vô số những người dân bơi ghe từ phía Trà Thọ (Tây Trà) qua lòng hồ về phía Sơn Bao. Trên ghe rất nhiều gỗ rừng. Cây to bằng cột nhà, cây nhỏ bằng cổ chân. Ghe cập bờ, những người đàn ông vội vàng vác những cây gỗ này đến điểm tập kết có một chiếc xe ô tô tải chờ sẵn. Gỗ nhanh chóng được đưa lên xe, rời khỏi khu vực lòng hồ mà không gặp sự kiểm tra của bất kỳ cơ quan nào.
Xe tải thu mua lâm sản đến tận đập chính hồ Nước Trong chở hàng. Ảnh: THANH NHỊ |
Đến đây “ăn hàng” còn có cả những thương lái thu mua mây rừng. Những bó mây nằm trên ghe vượt qua lòng hồ ướt sũng nặng đến cả trăm ký tiếp tục được cánh đàn ông đưa lên xe tải. Tiền hàng được giao ngay khi chất xong mây. Chiếc xe mây chở quá tải khó khăn vượt qua đoạn đường lầy, rồi từ từ lăn bánh ra đường Sơn Bao xuôi về hướng thị trấn Di Lăng.
Tại lòng hồ Nước Trong, ngoài tuyến đường Sơn Bao - Thị trấn Di Lăng còn có một tuyến đường ô tô do một số người tự mở để vận chuyển lâm sản trái phép. Tuyến đường ấy nằm ở phía tây tiếp giáp với lòng hồ chạy thẳng sang hướng Trà Trung. Từ Trà Trung có thể ngoặt về theo hướng Trà Tân (Trà Bồng) xuôi về Quảng Ngãi. Hoặc cũng có thể bám theo đường Trà Trung xuống ngã ba Trà Lãnh, vượt đèo Eo Chim về Trà Bồng. Theo người dân ở đây, tuyến đường tự phát này thường được sử dụng nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng huyện Sơn Hà.
Hủy diệt thủy sản
Bên lòng hồ Nước Trong, dưới chân đập chính đang thi công rầm rộ là hàng trăm chiếc ghe bằng nhôm nằm san sát. Trong đó không ít ghe được người dân sử dụng làm phương tiện đánh bắt cá. Hành trình đánh bắt của họ bắt đầu vào chiều tà và kết thúc khi bình minh. Ông Sảng - một chủ ghe ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) bảo: “Hôm nào ít thì được chục ký. Bữa trúng mánh có khi gần cả tạ cá. Làm nghề sông nước trông vào vận may thôi!”. Bình quân mỗi ký cá bán tại chân hồ khỏang 50.000 đồng, thấp thì một đêm cũng được 500.000 đồng.
Một người đàn ông trung niên làm bảo vệ công trình hồ Nước Trong cho chúng tôi biết: Những người đánh bắt cá ở lòng hồ sử dụng xung điện hoặc các loại lưới mắt nhỏ. Kết thúc một đêm vây cá trên mặt hồ, họ kéo ghe vào bờ, đem các phương tiện đánh bắt đi gửi hoặc cất giấu ở đâu đó. “Cá có nhiều đến mấy mà đánh bắt kiểu hủy diệt thế này chẳng bao lâu nữa cũng cạn kiệt thôi! Ở đây xa xôi, hẻo lánh chẳng có ai đến kiểm tra nhắc nhở, nên họ mặc sức làm ăn theo kiểu của họ” – bảo vệ công trình Nước Trong nói.
Những chiếc ghe trên bờ hồ ban ngày thường được người dân địa phương thuê hoặc mượn để vượt hồ qua Trà Thọ tìm lâm sản. Những gì người dân tìm được mang về bên này hồ đều có thể bán lấy tiền. Vì thế tại đây diễn ra một cuộc vượt hồ bất chấp hiểm nguy có thể xảy ra, nhưng vẫn chưa có một cơ quan nào đưa ra lời cảnh báo.
Chính quyền than thở
Xã Sơn Bao “sở hữu” một phần hồ chứa nước Nước Trong. Đường giao thông có thể chạy đến tận lòng hồ, nên Sơn Bao đương nhiên phải "gánh” những phiền toái kể trên khi hồ chứa nước xây dựng. Chủ tịch UBND xã Sơn Bao Đinh Văn Phèng bảo: “Phức tạp lắm! Tuần tra, chốt chặn mãi nhưng nạn khai thác gỗ, đánh bắt cá bằng xung điện vẫn không giảm”.
Khuân vác gỗ từ ghe lên bờ để bán. |
Lực lượng mỏng, phương tiện không đảm bảo trong khi lòng hồ lại rộng mênh mông. Đường giao thông tiếp giáp nhiều phía, nên có tuần tra thì cũng chỉ “ném đá ao bèo”.
UBND xã Sơn Bao cũng đã ký kết với UBND xã Trà Thọ quy chế phối hợp tăng cường kiểm tra ngăn chặn hành vi vi phạm Luật Bảo vệ chăm sóc rừng nhưng sau khi quy chế ký kết thì rừng Trà Thọ vẫn bị chặt đốn, gỗ được đưa sang lòng hồ về Sơn Bao. Ông Đinh Văn Phèng- Chủ tịch UBND xã Sơn Bao cho biết: Không chỉ có gỗ rừng bị đốn hạ mà cả gỗ keo của người dân Trà Thọ cũng bị chặt trộm. “Cách đây vài tháng, lực lượng chức năng của xã đã bắt được một chiếc ghe lớn vận chuyển gần 7 tấn gỗ keo từ Trà Thọ về. Đối tượng này khai là đốn trộm của người dân. Vụ việc đã được bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý” – ông Phèng nói.
Đứng bên bờ hồ phía Sơn Bao, chúng tôi nghe thấy tiếng cưa máy ở phía xã Trà Thọ vọng sang xè xè không dứt. Ông Đinh Văn Phèng bảo rằng: “Dưới lòng hồ không ít gỗ đang nằm dưới đó. Tối đến bọn chúng cho nổi lên kéo về Sơn Bao đấy. Tối đến ở lòng hồ Nước Trong nhiều hôm khá tấp nập. Kẻ chài lưới. Người khuân gỗ. Xe tải ùn ùn chạy về...”. Theo ông Phèng, để ngăn chặn hoạt động trái phép này, thì xã không làm nổi mà phải có huyện vào cuộc. “Hai huyện Tây Trà và Sơn Hà phải bàn bạc ký kết lập phương án tác chiến. Chỉ đơn phương Sơn Hà ngăn chặn thì đâu cũng vào đó cả thôi !” – ông Phèng nhấn mạnh. Theo ông Phèng, huyện cũng cần phải ngăn cấm cả những người dân sử dụng ghe tràn qua Trà Thọ để làm ăn, vì sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng.
Giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực lòng hồ chứa nước Nước Trong là yêu cầu cấp thiết. Chậm ngày nào là ngày ấy lâm sản, thủy sản “chảy máu” và cả tính mạng con người cũng gặp nguy hiểm!
Bài, ảnh: THANH NHỊ