Mang thai ở tuổi vị thành niên: Thực trạng đáng báo động

09:07, 09/07/2013
.

(QNg)- Thiếu sự quan tâm giáo dục từ gia đình, việc giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản ở nhà trường chỉ mang tính hình thức, cộng với ảnh hưởng của phim ảnh người lớn đã vô tình đẩy các em vào thế tự tìm hiểu, mù mờ kiến thức tình dục an toàn. Hậu quả là ngày càng nhiều trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn để lại nhiều hệ lụy. Đây cũng chính là chủ đề của Ngày dân số thế giới 11-7 năm nay.    

TIN LIÊN QUAN


 “Cơn bão” văn hóa phẩm không lành mạnh xâm nhập vào Việt Nam đã để lại nhiều hệ luỵ cho trẻ vị thành niên. Thực tế đó đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ vị thành niên phá thai cao nhất thế giới trong những năm gần đây. Cứ 1.000 trẻ ở nhóm tuổi 15-19 thì có 46 em mang thai.

Mang thai tuổi “teen”và hệ lụy

Ở tỉnh ta, hiện có 54.900 phụ nữ ở nhóm tuổi 15-19. Trong đó, ước khoảng hơn 2.500 trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên. Không ít trẻ đang tuổi ăn học nhưng sớm vướng vào chuyện người lớn nên đã để lại những hậu quả đau buồn, từ bỏ giấc mơ cắp sách đến trường để làm mẹ. Một bộ phận trẻ lỡ mang thai đã phải lén lút nạo phá thai ở những cơ sở y tế không đảm bảo gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và để lại di chứng trong cuộc sống sau này. Trường hợp của L. (16 tuổi), một học sinh lớp 10 ở Tư Nghĩa là một minh chứng. Chỉ vì phút nông nổi, đã “hết mình” với tình yêu đầu đời để rồi nếm “trái đắng” khi làm mẹ ở lứa tuổi trăng tròn, bỏ dở ước mơ đèn sách. Hay như hoàn cảnh của em K., học cùng trường với L thì  ham chơi, nghe theo bạn bè xấu, dễ dãi trong tình yêu để rồi hậu quả em phải làm mẹ khi mới 17 tuổi.

 

Tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên ở huyện miền núi Sơn Tây.
Tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên ở huyện miền núi Sơn Tây.


Với nhiều trẻ vị thành niên, khi đã mang thai thì ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai, gia đình, nên không ít trường hợp tự tìm đến các cơ sở y tế để phá thai. Theo thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, hằng năm Quảng Ngãi có hàng chục ca nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên, có trường hợp chỉ mới 14-15 tuổi. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, có 16 em đến trung tâm nhờ can thiệp. Số liệu trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì phần lớn các em lỡ mang thai đều lựa chọn các cơ sở y tế tư nhân để giải quyết nhằm tránh tiếng. Bà Võ Thị Thành, ở phường Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi) lo ngại: “Việc trẻ vị thành niên sinh con, phá thai ngày càng nhiều khiến người lớn chúng ta không thể không đau lòng. Thực sự mà nói, trong lỗi này có trách nhiệm rất lớn của các bậc làm cha mẹ, thiếu sự giáo dục, quan tâm chăm sóc con cái”.

Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Chi cục dân số tỉnh cho biết: Theo nhiều nghiên cứu của các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ sinh sản, việc mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người mẹ trẻ, vì cơ thể của các em chưa  phát triển đầy đủ. Các em gái ở độ tuổi từ 13 – 19, khi mang thai thường có nguy cơ sinh non cao gấp nhiều lần so với phụ nữ đã trưởng thành. Tỷ lệ tử vong của trẻ em sinh ra do các bà mẹ trẻ cũng cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành.

Đẩy mạnh giáo dục giới tính cho giới trẻ

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang thai cũng như phá thai ở trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng, phần lớn do thiếu sự quan tâm của gia đình. Nhiều bậc phụ huynh còn khá dè dặt trong việc trao đổi với con em về sức khoẻ sinh sản, coi trách nhiệm này là của nhà trường. Xã hội càng hiện đại, thì trẻ vị thành niên có điều kiện tiếp xúc sớm với nhiều nguồn thông tin. Trong khi đó, ở nhà trường chưa thật sự chú trọng việc giáo dục, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho trẻ vị thành niên. Còn ngành dân số lâu nay chỉ tập trung vào việc giảm sinh mà chưa quan tâm nhiều đến lứa tuổi này. Theo kết quả điều tra quốc gia về trẻ vị thành niên và thanh niên Việt Nam, có khoảng 1/3 trẻ vị thành niên và thanh niên chưa thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục.

Có lẽ từ thực trạng đó, Ngày Dân số thế giới năm nay (11/7) được tập trung vào chủ đề: “Mang thai ở tuổi vị thành niên”. Hưởng ứng hoạt động này, ngành dân số tỉnh đã triển khai kế hoạch tuyên truyền đến các trung tâm dân số 14 huyện, thành phố; tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền về sức khỏe sinh sản trong các đối tượng HS-SV, trẻ vị thành niên trong cộng đồng, thông qua việc duy trì, nhân rộng thực hiện Đề án tư vấn và chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân, duy trì hoạt động của các CLB SKSS vị thành niên tại các xã, thị trấn.

Để hạn chế tình trạng trẻ vị thành niên quan hệ tình dục sớm dẫn đến có thai, trước hết các bậc cha mẹ là tư vấn viên đầu tiên về giáo dục giới tính cho con cái. Ngành giáo dục cũng cần cụ thể hoá các chương trình giảng dạy giới tính, SKSS phù hợp theo các cấp học; trang bị kiến thức trong từng giai đoạn phát triển của trẻ để các em có đầy đủ kiến thức về vấn đề này. Bên cạnh đó, các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác tuyên truyền giáo dục lối sống, quan niệm và cách ứng xử trong hôn nhân, tình bạn, tình yêu cho ĐVTN, trẻ vị thành niên, nhằm giúp các em nhận thức đầy đủ về giới tính để tự bảo vệ mình.

 

 KIM NGÂN
                    
 


.