Giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên, thanh niên – Việc nên làm

09:09, 07/09/2011
.

(QNg)- Hiện nay, bạo lực học đường, tình trạng nghiện game online, đặc biệt là tình trạng yêu sớm ở học sinh phổ thông, tỷ lệ nạo phá thai, viêm nhiễm đường sinh sản... ở tuổi vị thành niên (VTN) đang ngày càng gia tăng. Vì vậy, nếu không được cung cấp kiến thức đầy đủ, sẽ dễ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức lối sống, việc học hành, có khả năng ảnh hưởng đến cả tương lai sự nghiệp của các em và chất lượng dân số của toàn xã hội.

Thời gian gần đây, ở một số vùng nông thôn, miền núi nhiều trẻ em gái bị lạm dụng tình dục, bị dụ dỗ lôi kéo vào tệ nạn xã hội. Tình trạng tiếp cận Internet qua game, chát  không có sự kiểm soát, đã gây nhiều hậu quả đáng tiếc. Trong đó thiệt thòi nhất là nhiều em gái dễ bị lợi dụng, trong đó có cả lạm dụng về tình dục.
 
Các bà mẹ và trẻ em xã Trà Quân (Tây Trà) chờ khám bệnh.
Các bà mẹ và trẻ em xã Trà Quân (Tây Trà) chờ khám bệnh.

Đối với nhiều em nam vì lí do tò mò, khi không có định hướng đúng đắn về giáo dục giới tính, các em dễ dàng bị "nhiễm" các trang "web đen", đồi trụy. Khi nhận thức sai lệch hoặc không làm chủ bản thân, các em dễ dẫn đến hành động nông nổi, có khi vi phạm pháp luật. Một thực tế hiện nay là ở các trường phổ thông, không ít học sinh THCS đã yêu sớm, ảnh hưởng đến việc học và ảnh hưởng đến sức khỏe giới tính…

Theo thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, hàng năm Quảng Ngãi có hàng trăm ca nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên- thanh niên; có trường hợp chỉ mới 14-15 tuổi (ở các huyện miền núi chiếm đa số). Đó là chưa kể việc phá thai ở các cơ sở tư nhân, cơ sở làm dịch vụ chui, hay trẻ vị thành niên tự dùng thuốc… Đây là điều hết sức nguy hại. Nếu các em không qua các cơ sở y tế điều trị thì dễ để lại hậu quả, có thể dẫn đến vô sinh.

Mới đây vụ em T (ở Bình Sơn) bị chết thảm là một trong những hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường trong việc định hướng, cũng như chăm sóc giáo dục trẻ vị thành niên. Chỉ vì thiếu cảnh giác, em T đã quen thân với bạn trai lêu lổng không có nghề nghiệp ổn định, sau đó bị chính bạn trai lạm dụng, giết để lấy tài sản. Cái chết của em T, khi đang ở tuổi đầy ước mơ và trong sáng đã để lại nỗi đau cho gia đình, xã hội. Hay mới đây vụ bé gái ở xã Sơn Dung (Sơn Tây) bị chính anh ruột hãm hiếp, đã để lại nỗi đau đớn cho gia đình.

Cách đây không lâu, hai học sinh nữ ở Đức Phổ vì ham chat, quen bạn trai trên mạng, em T (14 tuổi) đã rủ bạn gái học lớp 7 bỏ nhà đi tìm bạn trai ở ngoài tỉnh. Khi công an vào cuộc, các em mới được an toàn trở về nhà. Khi trẻ VTN chưa được trang bị những kỹ năng sống, suy nghĩ còn non trẻ, lại bị bạn bè xấu rủ rê, bỏ nhà ra đi sẽ không lường trước được những nguy hiểm đang rình rập.

Xã hội càng hiện đại, trẻ VTN có điều kiện tiếp xúc rất sớm với nhiều nguồn thông tin, được cung cấp một số kiến thức nhất định về giới tính và sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên kiến thức này có thể chưa đầy đủ, chưa đúng đắn, vì còn tùy thuộc vào chất lượng nguồn thông tin mà các em tiếp cận. Như vậy công tác giáo dục về giới tính và sức khỏe sinh sản là hết sức cần thiết cho trẻ VTN. Giáo dục cho trẻ những kiến thức về thể chất cũng như tinh thần, cảm xúc, quá trình sinh sản, nghĩa vụ vợ chồng, vai trò làm bố mẹ… là sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai khi các em vào tuổi trưởng thành.

Trong giáo dục cần chú trọng vào công tác tư vấn về tình yêu - hôn nhân và gia đình (bao gồm cả tư vấn qua điện thoại để trẻ VTN có nơi được đón tiếp, khuyên nhủ kịp thời). Bên cạnh đó tổ chức và phát triển nhiều nơi vui chơi lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp trẻ VTN có điều kiện vận động phát triển thể chất, giảm thời gian nhàn rỗi, buồn chán, dễ dẫn đến ý thức và hành vi tiêu cực. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra cho các cấp, ngành và gia đình và cả toàn xã hội.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh do chưa có hệ thống y tế học đường, nên việc chăm sóc sức khỏe vị thành niên, trong đó có sức khỏe sinh sản VTN chưa có điều kiện triển khai sâu rộng. Tuy nhiên các em cũng được giáo dục một số kiến thức tại sách giáo khoa; các em được dạy một số kiến thức về cấu tạo cơ thể, giới tính để chuẩn bị cho quá trình giáo dục về sức khỏe sinh sản sau này. Tuy nhiên ở các trường THPT hiện nay chưa có góc tư vấn (hay còn gọi là phòng tham vấn học đường). Công tác giáo dục giới tính trong học đường vẫn chưa phát huy tác dụng.

Ông Trần Văn Đức- Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: "Công tác CSSKSS cho trẻ VTN-TN cần được thực hiện thường xuyên, kiên trì. Ngành đã trang bị thêm 2 góc tư vấn SKSSVTN; hàng năm khám và tư vấn cho hàng nghìn VTN-TN. Trung tâm đã phát tờ rơi về GDCSSKSS VTN-TN và mở các lớp tập huấn hướng dẫn chuẩn Quốc gia về công tác này cho cán bộ y tế trong mạng lưới công lập và ngoài công lập.

Trung tâm cũng thường xuyên kết hợp với ngành dân số cùng các ban ngành, đoàn thể địa phương tăng cường công tác truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS đến vùng sâu, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên đây là một công việc phức tạp và tế nhị. Vì vậy để phát huy hiệu quả, đòi hỏi cả xã hội, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình cùng phối hợp thực hiện".

Đối với các trường THCS, THPT trong tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền. Nhà trường phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa trong việc lồng ghép thực hiện chương trình GDSKSS cho học sinh vào các bộ môn học. Các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục về SKSS và tình dục an toàn cho con trẻ của mình, để gia đình luôn là điểm tựa vững chắc, an toàn, lành mạnh nhất che chở cho các em.

              Bài, ảnh: KIM NGÂN

.