(QNg)- Trong vòng nửa tháng qua, huyện đảo Lý Sơn đã đón gần 10.000 khách đến tham quan, khám phá “vương quốc tỏi”. Lý Sơn – quê hương Hùng binh Hoàng Sa chưa hẳn là thiên đàng du lịch, nhưng những du khách đặt chân đến đây đều rất thích thú với những trải nghiệm đầy ý nghĩa trong hành trình về với biển đảo quê hương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Về với biển xanh…
Ra đảo Lý Sơn vào mùa hè hẳn là một sự lựa chọn thông minh cho hành trình du lịch về với biển xanh. Không có khách sạn hạng sang, món ăn cao lương mỹ vị nhưng đến với Lý Sơn du khách được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, khí trời, hương biển nồng nàn; được thưởng thức những món ăn dân dã.
Đến Lý Sơn, dường như mỗi bước chân du khách như có hương thơm của tỏi, hành; sắc ấm của hoa sứ, bàng vuông quyện chặt. Lý Sơn thực sự không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của một hòn đảo ngọc, mà ở mảnh đất thiêng này còn là bảo tàng sống khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc.
Một góc huyện đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao |
Chúng tôi đã cùng hàng ngàn du khách vượt biển đến đảo Lý Sơn trên những con tàu. Mệt đó nhưng cũng tan biến ngay sau đó khi 5 ngọn núi của hòn đảo xinh đẹp này lần lượt hiện ra dưới chân mây. Sự trong trẻo, hoang sơ là thế mạnh của vùng đất “hùng binh mở cõi”. Chị Hà Thị Thiều – du khách đến từ Hà Nội bảo rằng: “Tôi đã từng đến Phú Quốc, Côn Đảo nhưng Lý Sơn mới thật sự làm tôi thích thú. Ở đây vừa được hòa mình vào biển cả, vừa có dịp được tìm hiểu chủ quyền quần đảo Hoàng Sa qua những hiện vật, lễ hội được người dân Lý Sơn gìn giữ”.
Trong những ngày qua, các công ty lữ hành đã “gặt hái” được doanh thu đáng kể từ khá nhiều đoàn khách ở mọi miền đất nước đổ về. Anh Nguyễn Quang Bình - ở Đắc Lắc đang cùng với 11 thành viên khác trong “đại gia đình” từ Tây Nguyên xa xôi xuôi về biển đảo Lý Sơn, cho rằng: “Đặt chân lên đảo Lý Sơn vào dịp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, tôi có thêm cơ hội để trải nghiệm về cuộc sống. Tôi rất khâm phục những ngư dân Lý Sơn. Họ là người lính thực thụ thay mặt nhân dân khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Du khách đến đảo Lý Sơn tăng đột biến, nhưng sự “than phiền” về ra - vào đảo đã không còn nhiều như trước. Công tác giải quyết đặt vé, bán vé, bố trí đưa khách lên tàu, xuất bến đã được ngành giao thông vận tải và cảng Sa Kỳ vận hành nhịp nhàng, khoa học hơn. Ngày cao điểm, có đến 6, 7 chuyến tàu khách ra đảo và vào đất liền, tình trạng khách bị “mắc kẹt” ở đảo hay ở cảng Sa Kỳ đã không còn nữa. Về giá vé, mặc dù giá xăng dầu tăng nhưng đến thời điểm hiện nay, giá vé tàu cao tốc đi Lý Sơn vẫn ở mức từ 105.000 đồng đến 115.000 đồng, tùy vào từng loại tàu.
Giữ chân du khách
Trong những ngày này, trên gương mặt mỗi người dân Lý Sơn đều ánh lên niềm vui. Để chuẩn bị đón tiếp khách du lịch ra đảo Lý Sơn, lãnh đạo UBND huyện và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trực tiếp làm việc với các công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn… trên địa bàn lo giải quyết vấn đề ăn, ở; bình ổn giá, bảo đảm đủ chỗ ăn ở, an ninh trật tự; chỉ đạo các nhà hàng, khách sạn đảm bảo tốt chất lượng phục vụ, không tăng giá, ép giá khách du lịch khi đến lưu trú tại địa phương.
Có thể nói, trong mùa du lịch này, Lý Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Mỗi người dân Lý Sơn đều ý thức được rằng, đây là dịp không chỉ để quảng bá văn hóa, hình ảnh quê hương Hùng binh Hoàng Sa, mà còn kết nối cộng đồng, giáo dục truyền thống và các giá trị nhân văn sâu sắc cho các thế hệ mai sau. Dịp này, nhu cầu mua sắm các mặt hàng đặc sản tại địa phương như hành, tỏi, hải sản tăng cao, nên công tác quảng bá, giữ gìn hình ảnh du lịch Quảng Ngãi, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được coi trọng. Huyện đoàn Lý Sơn đã vận động đoàn viên thanh niên tổ chức nhiều gian hàng hành, tỏi và các đặc sản khác phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Giá bán được niêm yết rõ ràng, thuận tiện cho việc mua hàng của du khách.
Bây giờ đến đảo Lý Sơn, du khách đã không còn quá lo lắng về phương tiện đi lại cho hành trình khám phá “vương quốc tỏi” của mình. Hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn đều đã “tậu” được xe ô tô và hàng chục chiếc xe máy để đáp ứng nhu cầu của du khách. Ngoài ra, nhiều hộ dân khác cũng tổ chức cho thuê xe máy, thủ tục rất đơn giản và giá thuê được niêm yết cụ thể (khoảng 100.000 đồng/xe/ngày). Giá dịch vụ ăn uống cũng không tăng so với trước đó và với đất liền. Đặc biệt, dịch vụ điểm tâm sáng và “cơm bình dân” hiện đang bán “đồng giá” 20.000 đồng/suất. Vì vậy, dù hành trình đến đảo kéo dài ít nhất hai ngày nhưng du khách không phải “quá tốn kém”. Hiện tại, các công ty du lịch của tỉnh đang chào giá ổn định từ 900.000 đồng đến 1.000.000 đồng cho hai ngày đến đảo Lý Sơn với nhiều hoạt động bổ ích, hấp dẫn.
Bài, ảnh: THANH NHỊ