(QNg)- Phát biểu tại Đại hội XII Công đoàn tỉnh, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng để LĐLĐ tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, đồng thời giải đáp các kiến nghị, đề xuất của CNVCLĐ và các cấp Công đoàn trong tỉnh. Kiến nghị, đề xuất của CNVCLĐ và các cấp Công đoàn trong tỉnh đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam tập trung vào các nhóm vấn đề chính, gồm: Biên chế cán bộ công đoàn; quy định rõ hơn về mô hình hoạt động của CĐCS xã, phường, thị trấn; chính sách đãi ngộ, thu hút học sinh thi vào các trường đại học Công đoàn; chế độ cho cán bộ công đoàn cơ sở...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giải đáp kiến nghị về biên chế cán bộ công đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục làm việc với Ban Tổ chức Trung ương và Tỉnh ủy, nhằm đảm bảo biên chế hoạt động cho tổ chức Công đoàn tỉnh. Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng khẳng định: Biên chế cán bộ công đoàn của tỉnh không thiếu, nếu tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có từ 1.000 lao động trở lên được LĐLĐ tỉnh bố trí 1 cán bộ công đoàn chuyên trách. Điều quan trọng là cán bộ này phải đặt quyền lợi của công nhân, lao động trên quyền lợi của cá nhân, nhiệt tình, ham thích hoạt động phong trào và phải do người lao động tín nhiệm bầu ra. Những người có kinh nghiệm lâu năm được luân chuyển công tác theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Về mô hình CĐCS xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: Điều lệ Công đoàn Việt Nam chỉ quy định những điểm chung. Vì hiện nay trên cả nước có hàng ngàn loại hình CĐCS, không nơi nào giống nơi nào. Mô hình CĐCS khác nhau thì nội dung, hình thức hoạt động cũng khác nhau. Tất cả đều phụ thuộc vào sự nhạy bén, linh hoạt của cán bộ CĐCS.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng trao tiền hỗ trợ và động viên ngư dân an tâm bám biển. |
Về chính sách đãi ngộ, thu hút học sinh thi vào các trường đại học Công đoàn, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cho biết: Trường đại học Công đoàn (Hà Nội) và Trường đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM) là 2 trường đại học có uy tín, là nơi đào tạo cán bộ công đoàn và nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước. Mỗi năm có hàng chục ngàn thí sinh đăng ký dự thi, chất lượng đầu vào rất cao, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay. Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo để Trường đại học Công đoàn và Trường đại học Tôn Đức Thắng trở thành trường điểm của cả nước.
Về tỷ lệ khen thưởng trong hệ thống Công đoàn, nhiều đại biểu cho rằng còn thấp so với Nhà nước, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: Khen thưởng phải xứng đáng, phải có tác dụng biểu dương, không nên khen thưởng tràn lan, cào bằng. Kinh phí khen thưởng do người lao động đóng góp nên phải thực hiện tiết kiệm. Về chế độ cho cán bộ làm công tác công đoàn ở xã, phường, thị trấn nhiều đại biểu cho rằng còn quá thấp so với các đoàn thể khác, chưa "tương xứng" với công sức mình bỏ ra, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nói: Không nên so sánh khập khiễng, bởi cán bộ ở các đoàn thể khác họ phụ trách phong trào chung cho cả xã, phường, thị trấn, còn cán bộ công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn chỉ chăm lo cho đoàn viên là cán bộ, công chức xã...
Ngoài việc giải đáp chế độ, chính sách, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cũng gợi mở nhiều vấn đề quan trọng trong hoạt động công đoàn. Năm 2013, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động (sửa đổi năm 2012) có hiệu lực, cán bộ công đoàn cần năng động, sáng tạo hơn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng kết luận: Hưởng lương do người lao động đóng góp, cán bộ công đoàn phải thật sự thể hiện mình là người làm thuê, phải thực hiện tốt việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợp ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Bài, ảnh: Quang Tuyến