(QNg)- Tính đến ngày 20/8, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có những chuyển biến tích cực. Số vụ tai nạn giao thông từng bước được kiềm chế, tỷ lệ giảm đạt cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, việc hạn chế tai nạn giao thông trong những tháng cuối năm vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững...
Chuyển biến tích cực
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra 103 vụ TNGT, làm chết 91 người, bị thương 79 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 97 vụ, với 82 người bị chết và 76 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2011, tình hình TNGT có chuyển biến tích cực, khi kéo giảm được cả 3 tiêu chí, số vụ giảm 10%, số người chết giảm 15,7% và số người bị thương giảm 14,1%. Ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân từng bước được cải thiện.
Cảnh sát giao thông huyện Sơn Tây tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ. |
Ông Lê Hải - Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Để có được kết quả trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch để tạo tiền đề, động lực, phát huy hết sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ nhằm kéo giảm TNGT. Sự đồng thuận hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân tham gia tuyên truyền nhằm đảm bảo TTATGT trên địa bàn cũng góp phần đáng kể vào việc kiềm chế TNGT. Việc phân cấp quản lý các tuyến đường liên huyện, liên xã và giao địa bàn cho các đơn vị, địa phương quản lý, tuần tra xử lý các vi phạm nên ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân được tốt hơn. Công an tỉnh cũng đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trách nhiệm trong lực lượng Cảnh sát giao thông; củng cố, phát huy hiệu quả vai trò của công an xã và lực lượng quần chúng tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATGT. Ngoài ra, Ban An toàn Giao thông tỉnh phối hợp với các ban, ngành, các hội đoàn thể tăng cường tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến các hội viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế TNGT.
Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc
Tuy tình hình TNGT được kiềm chế, nhưng vẫn thiếu tính ổn định, TTATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra TNGT còn cao. Nguyên nhân chủ yếu vẫn thuộc về ý thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn kém. Trong những tháng đầu năm 2012, qua tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản hàng chục ngàn trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, qua đó xử phạt và thu nộp kho bạc trên 30 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là đi không đúng phần đường, làn đường; điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ quá tốc độ cho phép; lái mô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá quy định; lấn chiếm hành lang ATGT... Do đó, việc kéo giảm từ 5 đến 10% số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh năm 2012 như kế hoạch đề ra nhằm hưởng ứng năm ATGT là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm của nhiều đơn vị.
Sơn Tịnh ra quân hưởng ứng Thập kỷ ATGT 2010 - 2020. Ảnh: BS |
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT. Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh cũng cần tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia thực hiện các giải pháp kéo giảm TNGT như: Tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm, khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông, huy động đông đảo các ban, ngành tham gia công tác giải quyết trật tự giao thông trên địa bàn; khảo sát và kịp thời xoá "điểm đen" về TNGT, nhất là không để phát sinh điểm đen mới về TNGT.
Mặt khác, trên cơ sở phân tích các nguyên nhân chính gây TNGT, Ban ATGT tỉnh đưa ra các giải pháp nhằm kiềm chế TNGT trong những tháng cuối năm 2012. Trong đó, tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho các đối tượng tham gia giao thông để mọi người tự giác chấp hành. Nội dung tuyên truyền được chú trọng sử dụng hình thức tuyên truyền trực quan, xây dựng các phóng sự, lắp các biển báo, panô, nhất là sân khấu hóa và tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, đông dân cư... Cách làm này nhằm tác động mạnh vào nhận thức của người tham gia giao thông về những nguy cơ TNGT trong quá trình lưu thông. Do đó, để kéo giảm TNGT như kế hoạch đề ra thì cần có sự chung tay của toàn xã hội và quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông.
Bá Sơn