Công trình nước sinh hoạt miền núi: Hiệu quả sử dụng thấp

05:06, 28/06/2012
.

(QNg)- Để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân miền núi, nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung đã được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng phần lớn các công trình này bị hư hỏng, lãng phí tiền tỷ, người dân lại phải sử dụng nguồn nước suối như trước đây.

TIN LIÊN QUAN


Nhiều công trình bỏ không

Năm 2000, xóm Trường, thôn Huy Măng, xã Sơn Dung (Sơn Tây) được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung cung cấp nước cho 1.500 nhân khẩu, do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường (TTNS&VSNT) làm chủ đầu tư. Số tiền đầu tư gần 300 triệu đồng, công suất mỗi ngày cung cấp khoảng 100 mét khối. Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2001, chỉ được vài ba năm thì không còn tác dụng gì nữa, bỏ không đến ngày nay. Ông Đinh Văn Đía, ở xóm Trường cho biết, lúc đầu mới làm thì người dân có nước dùng rất sướng, nhưng chỉ được vài năm là không còn nước dùng do đường ống bị vỡ. Gần chục năm nay, bà con phải tự mua ống nhựa đưa nước từ trên suối về dùng. Mùa mưa nước suối đục, rất khó uống.

 

Công trình nước sinh hoạt thôn Gò Lã (Sơn Dung, Sơn Tây) không có nước để người dân sử dụng.
Công trình nước sinh hoạt thôn Gò Lã (Sơn Dung, Sơn Tây) không có nước để người dân sử dụng.


Thôn Gò Lã (Sơn Dung) cũng có công trình nước sinh hoạt cho dân nhưng cũng đã hư hỏng từ lâu. Nhiều trụ cung cấp nước bị bẻ khóa, nằm trơ trọi bên các khu dân cư. Ở xã Sơn Thượng (Sơn Hà), huyện đã đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt để cung cấp cho người dân khu vực khó khăn về nguồn nước uống cũng không mấy phát huy tác dụng. Tại xóm Làng Vôm, thôn Tà Ba (Sơn Thượng) hiện tại người dân phải đi lấy nước rất xa về dùng vì đường ống dẫn nước bị các loại xe tải chở gỗ keo dẫm vỡ nên nước không đến được nhà dân. Trong khi đó, tại những điểm bị vỡ ống, nước chảy lênh láng suốt ngày đêm.

Thực tế, nhiều công trình nước sinh hoạt cho người dân miền núi hiện nay đã hư hỏng hoặc không phát huy tác dụng. Theo thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường thì từ năm 2000 đến nay khoảng 35 công trình nước sinh hoạt tập trung toàn tỉnh được xây dựng (các công trình do TTNS&VSMT làm chủ đầu tư). Trong đó, đối với các địa phương đồng bằng thì các công trình này phát huy hiệu quả rất tốt, nhưng ở miền núi đều đã hư hỏng không còn sử dụng được bao nhiêu.

"Cha chung không ai khóc"

Ông Nguyễn Văn Thuộc- Giám đốc TTNS&VSMT cho biết: Các công trình nước sinh hoạt ở miền núi sau khi xây dựng xong là chủ đầu tư bàn giao cho cộng đồng quản lý sử dụng. Trong khi đó, ý thức của người dân rất ỷ lại. Họ tự ý đấu nối theo kiểu mạnh ai nấy làm "cha chung không ai khóc" khiến công trình nhanh hư hỏng. Mặt khác, các công trình giao thông, xây dựng dân dụng làm hư hỏng ống dẫn nước. Khi có sự cố thì không ai báo cáo để sửa chữa kịp thời, dẫn đến hư hỏng nặng không có vốn khắc phục. Ngoài ra, do việc phá rừng, đốt rẫy cũng khiến nguồn nước cung cấp cho công trình nước bị cạn kiệt phải bỏ không. Điển hình là tại xã Ba Vinh (Ba Tơ), cách đây 5 năm, khi công trình được xây dựng thì nguồn nước rất dồi dào để cung cấp cho hệ thống, nhưng sau đó, do tình trạng khai thác rừng nên các con suối cạn nước và hệ thống nước sinh hoạt ở đây cũng không còn nguồn nước theo thiết kế.

Được biết, trong thời gian tới, Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT là từng bước khắc phục lại các công trình nước sinh hoạt ở miền núi, tiến tới hoàn thành mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường của Chính phủ. Theo đó đến năm 2020 có 100% người dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay ở Quảng Ngãi, việc giải bài toán nước sinh hoạt theo mục tiêu trên là điều không hề dễ.


Bài, ảnh: XUÂN THIÊN
 


.