(QNĐT)- Đó là cách mọi người hay gọi khi nhắc đến chị Cao Thị Tuyết Sa- Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh. 20 năm gắn bó với trung tâm, đã có 300 mảnh đời bất hạnh được chị góp tay nuôi dưỡng, chăm sóc với tình thương yêu của một người mẹ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng, tuổi thơ chị Sa gắn liền với những năm tháng bom rơi đạn lạc, sống xa vòng tay chăm sóc của gia đình vì cả cha mẹ chị đều đi thoát ly. Mới 5 tuổi, chị phải chịu cảnh mồ côi cha, nên niềm khao khát sống trong sự đầm ấm của gia đình càng cháy bỏng trong chị.
Ngay từ ngày đầu thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (31/12/1991), chị Sa xin về làm tại Trung tâm với suy nghĩ thật giản đơn rằng: Chị đã từng trải qua một tuổi thơ không trọn vẹn nên muốn góp phần sức lực nhỏ bé của bản thân xoa dịu bớt nỗi đau và đem lại một mái ấm thực sự cho những đứa trẻ mồ côi nơi đây.
Qua 20 năm, chị Sa đã chăm sóc hàng trăm đứa con tại Trung tâm |
Thế là, chị Sa đã cùng 10 người khác nhiều hôm phải thức trắng đêm và vật lộn với những công việc không tên, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ hàng ngày cho gần 30 “đứa con” thân yêu đầu tiên được nhận nuôi tại Trung tâm.
Chị Sa tâm sự: “Lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi gặp nhiều tình huống rất oái oăm. Có những đứa trẻ mới vào trung tâm còn lạ nước, lạ cái nên khóc đến hàng tháng trời. Nhìn tụi nhỏ khóc mà mình thấy thương quá. Những lúc như vậy, tôi chỉ biết ôm chúng vào lòng mà khóc theo”.
Những năm đầu gian truân ấy, chẳng ai có thể quên cô kế toán tên Sa, dáng người nhỏ nhắn nhưng nhiệt tình, năng nỗ, sẵn sàng xắn tay áo giúp các chị, các cô ở Trung tâm chăm sóc, nuôi nấng từng em nhỏ.
Thậm chí, đến khi được đề bạt làm Phó Giám đốc Trung tâm, rồi lên chức giám đốc, chị Sa vẫn gắn bó với công việc như một người mẹ, người chị phục vụ từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn trong đời sống hằng ngày, cùng cười rồi lại cùng khóc với các con.
Chị Sa vẫn nhớ như in về trường hợp của cậu bé mồ côi Trần Văn Tuấn, quê ở Đức Phổ. Hai anh em Tuấn được nhận vào Trung tâm từ lúc Tuấn mới tròn 10 tuổi. Trước đó, Tuấn sống trong môi trường không được học hành, chăm sóc tử tế nên thuở đầu mới vào trung tâm Tuấn rất "cứng đầu", suốt ngày chỉ biết đến chơi game và tụ tập đánh nhau. Nhiều lần nhắc nhở nhưng cậu bé vẫn lì lợm, chẳng chịu nghe lời ai nên mọi người đề nghị Giám đốc Sa ký quyết định cho Tuấn ra khỏi Trung tâm.
Lòng nặng nhọc đặt bút ký quyết định, chị đã mất ngủ đến mấy đêm liền. Chị trầm ngâm nhớ lại: Đúng là cháu không ngoan, không chịu nghe lời của các cô, các má. Nhưng nếu cho cháu ra khỏi trung tâm thì chẳng khác gì vứt Tuấn vào vũng lầy cạm bẫy của xã hội. Rồi cuộc đời cậu bé sẽ đi về đâu!?
Được chứng kiến những đứa con được trưởng thành và hạnh phúc trong cuộc sống là điều chị Sa vẫn mong mỏi và tự hào |
Với suy nghĩ đó, chị đã tự tay xé quyết định và quyết tâm giữ cháu ở lại với hy vọng mình sẽ dạy dỗ cháu nên người. Được “má Sa” kèm cặp, luyện rèn, từ cậu bé hư ngày nào Tuấn đã trở thành một học sinh giỏi, một người anh gương mẫu cho các em nhỏ.
Ngày cậu bé rời xa trung tâm lên đường vào Nam để kiếm sống là ngày Tuấn nhận ra những giọt nước mắt của má Sa mỗi khi la, đánh cậu có ý nghĩa như thế nào.
Giờ đây, khi đã trưởng thành và có một công việc ổn định, Tuấn mới thấm thía hết những vất vả gian truân của má Sa trong quãng thời gian dài 10 năm chăm sóc Tuấn và những đứa trẻ khác ở Trung tâm. “Tình yêu thương, sự nghiêm nghị trong cách dạy dỗ của má Sa đã giúp tôi nên người”.- Tuấn xúc động chia sẻ.
Thấm thoắt đã 20 năm chị gắn bó với nghề. Đó là quãng thời gian có ý nghĩa nhất cuộc đời chị với một kho kỷ niệm buồn vui cùng 300 đứa con tinh thần, được nuôi nấng và trưởng thành nên người có ích cho xã hội như cậu bé Tuấn thuở nào.
Nhiều lần, chị được giới thiệu đi nơi khác với một công việc nhàn nhã và thu nhập cao hơn nhưng chị vẫn tâm huyết, không muốn rời xa những đứa con mà chị đã dành rất nhiều tình yêu thương qua ngần ấy năm chăm sóc.
Ánh mắt rạng ngời niềm hạnh phúc, chị Sa chia sẻ: Dường như cái nghiệp đã vận vào thân. Các chị em ở Trung tâm này trực tiếp phục vụ các cụ già, em nhỏ cực khổ hơn mình bao nhiêu mà họ chẳng nề hà thì tại sao mình lại bỏ cuộc. Ngày nào không được nhìn thấy các em nhỏ, các cụ già với nụ cười tươi rói trên môi thì ngày đó chị cảm thấy trống vắng.
Cứ như vậy, hàng ngày chị vẫn đến Trung tâm, cùng với đội ngũ các chị em phụ nữ nơi đây hết mình chăm sóc các cụ già và em nhỏ, dù mưa hay nắng, dù đêm hay ngày. Với chị Sa, được chứng kiến những “đứa con” của mình trưởng thành và hạnh phúc là điều chị vẫn mong mỏi và tự hào nhất.
Thanh Phương