Những người mẹ hiền dưới chân núi Ha Tu

03:03, 09/03/2011
.

(QNg)- Những bông hoa gạo nở đỏ triền sông Re  báo hiệu tháng 3 đã về. Mấy cô cậu học trò trường tiểu học Sơn Ba sau giờ học rủ nhau ra bờ sông nhặt hoa gạo kết thành tràng tặng cô giáo - người hàng ngày chăm sóc, dạy dỗ bọn trẻ, nhân ngày mùng 8 tháng 3...

* Lặng thầm gieo chữ
Trường tiểu học Sơn Ba (Sơn Hà) nằm cách núi Ha Tu bởi dòng sông Re trong xanh, thơ mộng. Từ lưng chừng núi Ha Tu nhìn xuống, ngôi trường giống như một bông hoa gạo đỏ chói giữa bao la màu xanh của núi rừng Sơn Hà. Ấy vậy mà từ lưng chừng ngọn núi này, bao năm qua 15 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 của thôn Gò Da mỗi ngày phải đi bộ hơn 4 tiếng đồng hồ, vượt qua sông Re để đến trường.
 
Mỗi buổi chiều tan học, các cô giáo lại đưa học trò mình qua sông, nhìn theo lũ trẻ khuất dần sau dãy núi. Những ngày mưa lũ, sông Re giận dữ, nước đỏ ngầu, các cô đứng bên này sông nhìn lũ trẻ thơ ngây phía bên kia, đành ra hiệu bảo các em quay về... Xuất phát từ thực tế ấy, các cô giáo đã cùng Ban Giám hiệu nhà trường đề xuất huyện "đưa các em xuống núi".
 
Những “Người mẹ hiền” Trường tiểu học Sơn Ba hết lòng chăm lo “cái chữ” cho học trò nội trú thôn Gò Da.
Những “Người mẹ hiền” Trường tiểu học Sơn Ba hết lòng chăm lo “cái chữ” cho học trò nội trú thôn Gò Da.

Năm 2009 - 2010, nguyện vọng của các cô giáo đã trở thành hiện thực. Nhưng cũng chính từ ngày ấy, sự nghiệp gieo chữ của các cô lại trở nên nặng nhọc gấp nhiều lần so với trước đây.

Cô giáo Nguyễn Thị Mơ Ước - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Ba kể cho chúng tôi nghe nhiều điều thôi thúc 13 cô giáo của trường hết lòng vì các em học sinh Gò Da vượt núi Ha Tu tìm chữ. Trong mỗi câu chuyện kể đều chan chứa tình người. Do các em ở trên núi cao, ít có điều kiện tiếp xúc, nên các em chỉ biết nói tiếng H’rê, không biết nói tiếng phổ thông, việc học hành, dạy dỗ các em gặp nhiều khó khăn. Những ngày đầu khi mới xuống nội trú, các em thường hay khóc vì nhớ nhà, chẳng chịu ăn uống.

Cô Nguyễn Thị Mơ Ước kể lại: "Đêm đầu tiên cả 15 em không chịu ngủ trong phòng mà rủ nhau leo lên mấy cây bàng trong sân trường ngủ. Cô giáo phải đi tìm các em khắp nơi. Khi tìm thấy rồi nước mắt ai cũng lăn dài". Những ngày sau đấy và cho đến tận bây giờ, 13 cô giáo và 15 học trò Gò Da luôn gắn bó, quây quần như một gia đình nhỏ dưới chân núi Ha Tu.

* Những người mẹ thứ hai
Em Đinh Văn Nho - cậu học trò lớp 5 khoe với tôi: "Ở Gò Da con có 1 mẹ, còn ở ngôi trường này con có thêm 4 mẹ nữa. Mẹ nào cũng thương con và các bạn".  Nho bẽn lẽn giới thiệu với chúng tôi 4 cô giáo mà hàng ngày Nho cùng các bạn nhỏ Gò Da vẫn gọi là mẹ. Đó là các cô: Trần Thị Cẩm Tiên, Trần Thị Hòa, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Mơ Ước. Các cô đều ở xa đến đây công tác. Xa gia đình, người thân, sống giữa non cao núi thẳm các cô dành hết tình yêu thương cho những đứa trẻ Gò Da. Hết mắm, hết muối, hết gạo hay thiếu thốn bất cứ thứ gì, các em lại chạy đi tìm "các mẹ".

Hàng tuần các cô giáo lên thực đơn cho từng bữa ăn, rồi sau đó dặn dò những người bán thực phẩm đem đến cho các em. Mỗi ngày 15 học trò Gò Da được "chi" 50.000 đồng tiền thức ăn. Còn gạo, mắm, muối, dầu ăn... các cô đã chuẩn bị "cân đong" khẩu phần đủ ăn cho cả tháng. Trong khẩu phần ăn ấy có một phần đóng góp, chia sẻ từ tiền lương của các cô giáo, thầy giáo nhà trường.
 
Bữa cơm tuy tự các em nấu nướng, nhưng không khi nào thiếu vắng bàn tay các cô. Các cô còn nhường những chiếc giường ngủ của mình cho các em. Khi đau ốm, cô lại cõng trò ra trạm xá... Thường thì cả tháng các em học sinh Gò Da mới về nhà thăm gia đình, ríu rít kể cho cha, mẹ nghe về sự quan tâm của các cô giáo ngôi trường mình học tập. Vì thế phụ huynh các em yên tâm khi đưa con vào lớp học nội trú Trường tiểu học Sơn Ba.

Năm học 2009 - 2010 - năm đầu tiên đưa các em học sinh thôn Gò Da xuống núi, do chưa có sự hỗ trợ của các tổ chức, chính quyền, nên mọi chi phí ăn uống, sách vở của các em đều do giáo viên nhà trường đóng góp. Năm học 2010 - 2011, học sinh ở đây đã được hưởng chính sách, cộng với sự giúp đỡ của huyện Sơn Hà và các tổ chức, cá nhân, nên cuộc sống, sinh hoạt của các em đỡ vất vả hơn. Các cô giáo cũng không phải nhọc nhằn sau mỗi buổi chiều tan lớp đi hái rau rừng lo bữa cho các em... Sự chung tay ấy đang chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc H’re thôn Gò Da bay cao, bay xa...

Bài, ảnh: THANH NHỊ

.