(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Chu Huy Mân là một tấm gương sáng của người cán bộ cách mạng hết lòng vì nước, vì dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên hết, sẵn sàng phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí Chu Huy Mân được Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ và vinh danh là vị Tướng “Hai Mạnh”. Trí tuệ, tài năng quân sự - chính trị của đồng chí Chu Huy Mân được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, góp phần làm phong phú nghệ thuật chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng
Đồng chí Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913. Ông là con trai út trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Yên Lưu, Tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An).
|
Thượng tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 đang kiểm tra, theo dõi các mũi tiến công của quân giải phóng đánh vào thành phố Đà Nẵng (3/1975). Ảnh: TTXVN |
Sinh ra ở vùng quê được xem là địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và đấu tranh cách mạng, được gia đình tạo điều kiện học tập, Chu Văn Điều đã sớm tiếp thu truyền thống quê hương và giác ngộ cách mạng.
Đồng chí Chu Huy Mân từng nói với đồng đội: “Vinh quang nhất của cuộc đời là được cống hiến, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân; tôi vào Đảng là hoàn toàn tự nguyện, suốt đời hy sinh, chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân”. |
Năm 1929 khi chỉ mới 16 tuổi, ông đã thoát ly hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước. Đến năm 1930, ông tham gia phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, gia nhập Đội Tự vệ Đỏ - một trong những đội quân tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuối năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng có năng lực, có uy tín nên ông đã được bầu làm Bí thư Chi bộ xã, rồi Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên. Ông bị bọn thực dân Pháp và tay sai ráo riết truy lùng. Năm 24 tuổi, ông bị bắt, bị kết án khổ sai, đày đi biệt xứ. Sáu năm sống trong nhà tù đế quốc, từ nhà lao Vinh đến nhà lao Đăk Tô, Đắc Glei (Kon Tum), ông luôn giữ vững khí tiết của một người cộng sản kiên trung; tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, biến nhà tù thành trường học cách mạng.
Đầu năm 1943, ông vượt ngục về thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) tiếp tục hoạt động cách mạng. Đến tháng 9/1944, ông tham gia Ban Việt Minh tỉnh và Tỉnh ủy Quảng Nam. Năm 1945, ông chỉ huy lực lượng tự vệ vũ trang tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Nam, sau đó được phân công đảm nhiệm Chính trị viên Tỉnh đội. Từ đây, tài năng xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức thế trận quốc phòng của ông được phát huy. Với ông, phương châm xây dựng lực lượng vũ trang là lấy giáo dục chính trị và bồi dưỡng cán bộ làm chính, cán bộ trưởng thành về chính trị là cơ sở để học tập, nắm vững và không ngừng sáng tạo nghệ thuật quân sự.
Vị tướng song toàn
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khen ngợi Đại tướng Chu Huy Mân là người chịu khó học tập, rèn luyện, vừa biết cả chính trị, quân sự và công tác tổ chức, vừa có kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu. Trong một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Đại tướng Chu Huy Mân, khi biết ông đang làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị, Người đã nói với ông: “Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt”. Vì câu chuyện này, bộ đội Tây Nguyên gọi ông với bí danh “Hai Mạnh” (nghĩa là mạnh về quân sự - mạnh về chính trị).
|
Đại tướng Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nói chuyện với các nữ dân quân dân tộc Tày ở Lạng Sơn (1984). Ảnh: TTXVN |
Chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng điều động nhiều cán bộ chính trị ưu tú vào hoạt động trong quân đội, đồng chí Chu Huy Mân là một cán bộ trong số đó. Như một thiên mệnh, cuộc đời cách mạng của đồng chí gắn bó với cuộc đời binh nghiệp qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở miền Trung - Tây Nguyên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Cuối năm 1946, đồng chí Chu Huy Mân được điều ra Việt Bắc để xây dựng các trung đoàn chủ lực, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy, Chính ủy các trung đoàn 72, 74, 174 ở vùng Cao - Bắc - Lạng (1947 - 1949), chỉ huy các trận đánh trên đường số 4 rồi giúp cách mạng Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn. Tháng 5/1951, đồng chí làm Phó Chính ủy, sau đó làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch, đánh thắng nhiều trận quan trọng, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đoàn 316 đánh trận mở đầu, tiêu diệt cứ điểm Him Lam (ngày 13/3/1954), khai hỏa trận đánh Đồi A1, tham gia trận đánh quan trọng cuối cùng bắt sống tướng Đờ Ca-xtơ-ri.
Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đồng chí Chu Huy Mân được trung ương điều vào chiến trường Khu 5, làm Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân khu 5 rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Từ năm 1967 - 1975, đồng chí làm Tư lệnh Quân khu 5. Khu 5 cũng là chiến trường đồng chí đã tham gia chỉ đạo xây dựng thành công “vành đai diệt Mỹ” - một hình thức đánh giặc độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), tết Mậu Thân (1968), Bắc Bình Định (1972), Chiến dịch Huế, Đà Nẵng (1975)... góp phần cùng quân, dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân từ buổi ban đầu cho đến khi giữ cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và quân đội, đồng chí luôn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ và trọng trách vào những thời điểm khó khăn. Với bản lĩnh và tài năng, đồng chí luôn xông xáo, thâm nhập sâu vào cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ, gắn bó, lăn lộn trong các phong trào cách mạng, các chiến trường gian khổ, một lòng, một dạ cống hiến hết mình, tìm tòi, sáng tạo để lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng thành công.
Đồng chí Chu Huy Mân được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1958, thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng năm 1974, thăng quân hàm Đại tướng năm 1980. Với những cống hiến to lớn cho cách mạng, đồng chí được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và nước bạn. Đồng chí từ trần vào ngày 1/7/2006, hưởng thọ 93 tuổi. |
THANH THUẬN