Chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiệm quý từ công tác ngoại giao vaccine để tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao kinh tế phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững hiện nay. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vaccine và bài học kinh nghiệm để thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới được tổ chức chiều 30/11 tại Trụ sở Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Kết quả là chuyển biện pháp phòng, chống dịch từ biện pháp hành chính sang biện pháp khoa học, chuyên môn, “đúng và trúng”; cái khó lúc đó là có đủ nguồn vaccine. Qua đây, chúng ta thấy công tác ngoại giao phục vụ đường lối phát triển kinh tế-xã hội là hết sức quan trọng, đó là nhờ chúng ta biết tận dụng các công cụ để thực hiện; trên cơ sở đó chúng ta tổng kết công tác ngoại giao vaccine để chúng ta cùng nhìn lại những việc đã làm được cũng như chưa làm được thời gian qua, xác định nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm quý để không chỉ áp dụng cho công tác ngoại giao vaccine mà tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao kinh tế phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững hiện nay.
* Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, sự ủng hộ, đồng lòng của doanh nghiệp và nhân dân, chiến dịch ngoại giao vaccine đã được triển khai quyết liệt, thần tốc, thành công vượt kỳ vọng, được cộng đồng quốc tế và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã có hơn 130 cuộc điện đàm, tiếp xúc, trao đổi; gửi hơn 100 thư tới lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn sản xuất vaccine để vận động, thúc đẩy chuyển giao vaccine cho Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ trưởng và lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan cũng đã có hàng trăm cuộc trao đổi, điện đàm, làm việc, gửi thư với các tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan, đồng thời tổ chức triển khai liên tục các hoạt động đồng bộ để tiếp cận các nguồn vaccine nhanh nhất và sớm nhất có thể.
Hội nghị được kết nối tới 93 điểm cầu truyền hình. |
Kết quả là, về vaccine, đến tháng 6/2021, Việt Nam mới có 4,3 triệu liều thì đến hết năm 2021, ta đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều, vượt 30% chỉ tiêu 150 triệu liều theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Đến ngày 11/9/2022, Việt Nam đã nhận hơn 258 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50%, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23 nghìn tỷ đồng).
Về trang thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ các trang thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương 2 nghìn tỷ đồng). Và thuốc điều trị, ta đã kịp thời tiếp cận, vận động, nhập khẩu các loại thuốc điều trị mới nhất được sản xuất, phục vụ nhu cầu điều trị trong nước.
Về hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, ta thúc đẩy Tập đoàn AstraZeneca đầu tư 90 triệu USD phát triển lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam; một số doanh nghiệp trong nước đã ký các thỏa thuận hợp tác đóng gói vaccine, hợp tác nghiên cứu và phát triển vaccine công nghệ mRNA; Việt Nam cũng là một trong 5 nước được WHO công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huy chương Hữu nghị cho đại diện tập đoàn nước ngoài. |
Với nỗ lực thực hiện quyết liệt Chiến lược tiêm chủng, từ một nước có tỷ lệ tiêm nằm trong số các nước thấp nhất khu vực, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng tiêm, tốc độ tiêm và tỷ lệ bao phủ vaccine cao hàng đầu thế giới. Tờ Financial Times đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao thứ 4 thế giới, chỉ sau Cuba, Brunei và Chile (những nước quy mô dân số từ hơn 400 nghìn đến dưới 20 triệu người).
Thành công của công tác ngoại giao vaccine có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt. Trước hết, quyết sách đúng đắn, kịp thời cùng sự tham gia trực tiếp, ngày đêm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành để vận động vaccine nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất, tiêm chủng miễn phí cho nhân dân đã tiếp tục củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với chế độ chính trị của ta, khẳng định tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, luôn đặt lợi ích, sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân lên trên hết.
Thứ hai, thành công của ngoại giao vaccine và Chiến lược vaccine là điều kiện tiên quyết để chúng ta chuyển sang thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực là do đã sớm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và mở cửa để phục hồi và phát triển kinh tế.
Thứ ba, thành công của công tác ngoại giao vaccine tiếp tục truyền tải hình ảnh về một đất nước Việt Nam kiên cường, ý chí, đoàn kết, tương thân tương ái, với những “sức mạnh mềm” được bạn bè quốc tế nể phục.
Thủ tướng nêu rõ, cái khó của chúng ta là có tiền và chịu tất cả rủi ro mà vẫn không có được vaccine vì tiếp cận vaccine không bình đẳng khi đó; chúng ta là một nước có nền kinh tế còn khiêm tốn, không phải là nước lớn trên thế giới; điều kiện còn khó khăn; đến tháng 5/2021 thì Việt Nam mới nhận được lô vaccine đầu tiên của COVAX; nhưng đến giữa tháng 10/2021 thì số liều vaccine nhận được đã tăng mạnh (97,5 triệu liều). Nhờ kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, kinh tế vĩ mô ổn định; kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực; bảo đảm các cân đối lớn; chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường. Qua đại dịch Covid-19 thì tiếp tục khẳng định thành tựu của đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, đạt được như vậy là do nhiều nguyên nhân nhưng chúng ta đã đề ra Chiến lược vaccine phù hợp, đúng đắn, hiệu quả. Chúng ta có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, có đường lối đối ngoại đúng đắn, là đối tác tin cậy, bạn bè tốt, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; có sự lãnh đạo đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chuyển đổi trạng thái chống dịch từ biện pháp hành chính sang biện pháp khoa học; trong lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt, quyết đoán trong tổ chức thực hiện; trong hoạt động ngoại giao vaccine cũng hết sức tích cực, miễn là có vaccine, ở đâu có vaccine thì tiếp cận nơi đó, bằng các phương pháp như mua, vay, mượn, ứng trước. Sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại sứ, cán bộ đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong nỗ lực tiếp cận vaccine, thuốc, trang thiết bị y tế. Có sự giúp đỡ tận tình, chân thành của bạn bè quốc tế, cơ bản được họ đồng tình vì chúng ta cũng đã thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong ngoại giao vaccine.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Phải nắm chắc diễn biến tình hình, xuất phát từ thực tiễn để có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Phải bình tĩnh, sáng suốt, càng khó khăn, phức tạp càng kiên trì, kiên quyết, kiên định chủ trương, đường lối, phương pháp làm; không được “chập chờn”; tất cả vì mục tiêu bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân. Vận động ở cấp cao có tính quyết định, nhưng công tác tư vấn, tham mưu của các cơ quan đại diện ngoại giao có tính chất quan trọng; sau tiếp xúc cấp cao phải “đeo bám” đến khi đạt kết quả; phải đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, doanh nghiệp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Điều này cho chúng ta thêm kinh nghiệm quý về vận động ngoại giao và ngoại giao kinh tế.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, diễn biến còn phức tạp trên thế giới; biến chủng virus còn biến đổi, lẩn tránh vaccine; vaccine suy giảm miễn dịch theo thời gian; một nửa dân số thế giới chưa được tiêm chủng vaccine, thậm chí người tiêm rồi vẫn có thể bị mắc lại. Do đó, chúng ta không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục nỗ lực chống dịch, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục tiến hành ngoại giao vaccine; mua được vaccine cũng là nhờ vận động ngoại giao. Hiện nay, chúng ta vẫn dành một phần kinh phí để đi mua vaccine; đẩy mạnh công tác tiêm chủng, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao, học sinh.
Thủ tướng nêu rõ, phải đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để làm chủ công nghệ sản xuất vaccine; giao Bộ Ngoại giao xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện ngoại giao kinh tế, nhất là lúc này cần mở rộng thị trường, nhất là khi các thị trường lớn đang bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân; hoạt động ngoại giao thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, vất vả của ngành ngoại giao, các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài trong phòng, chống dịch và thực hiện ngoại giao vaccine với việc phải xa gia đình, người thân; đánh giá cao các đồng chí có đóng góp quan trọng trong công tác ngoại giao vaccine. Thủ tướng cũng gửi đến các đồng chí, cán bộ và nhân viên đại sứ quán, cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài lời chúc sức khoẻ, thành công và hạnh phúc.
* Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã trao tặng Huy chương Hữu nghị và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho một số tập thể, cá nhân trong nước, đại diện tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã có những đóng góp, thành tích xuất sắc trong công tác ngoại giao vaccine.
Theo
Nhandan.vn