(Báo Quảng Ngãi)- Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Đó là quan điểm nhất quán về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Thế nhưng, hiện nay có nhiều hoạt động chống đối, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị cần phải lên án.
[links()]
Dựa trên quan điểm Mácxít về vấn đề tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu có chọn lọc và phát triển những quan điểm này phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam. Quan điểm cơ bản, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
|
Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, tặng quà Chi hội Tin lành Mộ Đức. Ảnh: NGỌC VIÊN |
Đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc là vấn đề chiến lược, lâu dài và toàn diện. Theo Bác, thực hiện “tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết” để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo là cơ sở lý luận và phương pháp luận để Đảng, Nhà nước ta hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo cho phù hợp trong từng thời kỳ lịch sử.
Những năm gần đây, tình hình tôn giáo trên thế giới có nhiều biến đổi sâu sắc cả về số lượng quy mô, cấp độ. Sự gia tăng số lượng về tín đồ, chức sắc tôn giáo trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hợp tác, giao lưu quốc tế ngày càng tăng, kéo theo sự giao lưu tôn giáo với du nhập của các tôn giáo nước ngoài vào nội địa các nước. Sự biến đổi của tôn giáo nổi lên 2 xu hướng chủ đạo, đó là đối thoại tôn giáo và xung đột tôn giáo.
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, hầu như trên thế giới có tôn giáo nào thì ở Việt Nam có tôn giáo đó. Đông đảo nhất là Phật giáo (trên 10 triệu tín đồ) và Thiên Chúa giáo (gần 7 triệu tín đồ). |
Đối thoại tôn giáo nhằm tìm ra các điểm tương đồng để xây dựng một thế giới đại đồng, xã hội hài hòa, ổn định vì mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, mâu thuẫn, xung đột tôn giáo ngày càng gia tăng, không chỉ dẫn đến sự bất ổn trong đời sống chính trị - xã hội của mỗi quốc gia, mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực và thế giới. Một số “điểm nóng” về xung đột sắc tộc, tôn giáo như: Trung Đông, Bắc Phi... đang diễn biến phức tạp, hệ lụy khó lường về an ninh quốc gia đối với các nước có sự phát triển mạnh mẽ về tín ngưỡng, tôn giáo.
Việt Nam (trong đó có Quảng Ngãi), những năm qua, với nhiều chính sách phù hợp, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra theo pháp luật, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo, bình đẳng giữa các tôn giáo được quan tâm, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Các sinh hoạt tôn giáo như lễ Phật đản, Giáng sinh... được tổ chức trang nghiêm. Đại hội của các tổ chức tôn giáo được tổ chức trọng thể, an toàn với quy mô ngày càng lớn hơn. Nhiều lễ hội tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng dân cư.
Các tổ chức tôn giáo có đủ tiêu chí được công nhận cơ bản hoạt động theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều cơ sở thờ tự của các tôn giáo được các cấp chính quyền tạo điều kiện cho xây dựng, tu sửa khang trang. Việc xuất bản kinh, sách luôn được Nhà nước ta quan tâm hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu hoạt động của các chức sắc, tín đồ tôn giáo.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn ra sức lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng. Đó là sử dụng “ngòi nổ” tôn giáo, dân tộc làm nguyên cớ để xóa bỏ chế độ. Mục tiêu cụ thể là trực tiếp phá hoại, chia rẽ đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, không tôn giáo; giữa các đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; kích động tín đồ chức sắc tôn giáo chống lại các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước; vô hiệu hóa sự quản lý của Nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội...
Từ ngày thành lập Đảng, thành lập nước đến nay, Đảng, Chính phủ luôn nhất quán quan điểm về tự do tín ngưỡng. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 tiếp tục khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo, tham gia lễ hội, học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo...”. Ở Việt Nam không có chuyện đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ nhân quyền như các thế lực thù địch rêu rao. Hãy sống “Tốt đời đẹp đạo” vì sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa mà toàn thể dân tộc cùng hướng đến.
VŨ QUANG