(Baoquangngai.vn)- Trong không khí của mùa thu tháng Tám lịch sử, chúng tôi về thăm phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Dẫu trải qua nhiều mất mát, đau thương bởi chiến tranh, song người dân nơi đây đã biến nỗi đau thành hành động, anh dũng chiến đấu để giành lại hòa bình, độc lập dân tộc.
Tháng 5/1966, lính viễn chinh Mỹ đặt chân lên Rẩy Đá, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (nay là phường Phổ Quang, TX.Đức Phổ). Kể từ đó, nhân dân phường Phổ Quang nói riêng, TX.Đức Phổ nói chung, bước vào thời kỳ đấu tranh gay go, khốc liệt với quân thù xâm lược để giành lấy hòa bình, tự do, độc lập.
Phường Phổ Quang là địa phương ven biển, nằm yên bình bên dòng sông Thoa thơ mộng, một nửa dân cư làm nông, còn nửa kia làm ngư nghiệp, quanh năm lam lũ nhưng một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng. Thời kỳ Ngô Đình Diệm, với chính sách “Tố cộng - Diệt cộng”, nhiều chiến sĩ cộng sản ở phường Phổ Quang bị bắt bớ, giết chóc, nhưng nhân dân luôn giữ vững phong trào. Từ khi quân viễn chinh Mỹ đặt chân đến, làng quê Phổ Quang càng thêm xơ xác, tiêu điều vì bom đạn của quân cướp nước. Bọn chúng đã biến nơi này thành “vùng trắng”, trắng dân cư, trắng lực lượng cách mạng và trắng ruộng vườn.
Xóm nhỏ Du Quang, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), nơi có nhiều gia đình liệt sĩ. |
Nguyên Bí thư Đảng ủy phường Phổ Quang Thiều Quang Vinh kể, Mỹ đổ quân vào đây từ chiến hạm. Chúng dùng pháo binh dọn bãi, sau đó đổ quân bằng máy bay trực thăng, càn quét vào các xóm, thôn, đốt sạch, bắt bớ và giết những ai chúng nghi là Việt Cộng.
Chủ tịch UBND phường Phổ Quang Võ Văn Xinh cho biết, sự khốc liệt của cuộc đấu tranh chống quân xâm lược thể hiện qua con số, phường có diện tích tự nhiên 10 km2, nhưng có đến 418 liệt sĩ, 72 Mẹ Việt Nam anh hùng.
Chúng tôi đến thăm một xóm nhỏ của tổ dân phố Du Quang, phường Phổ Quang. Tại đây, chỉ có 10 hộ gia đình, nhưng đã có hơn 20 liệt sĩ. Anh Huỳnh Tấn Lộc (59 tuổi), người đang thờ cúng 4 liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Cống, xúc động kể, bà nội tôi sinh được 8 người con, thì có 4 người lần lượt hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là liệt sĩ Huỳnh Được, hy sinh ngày 26/9/1965; liệt sĩ Huỳnh Chín, hy sinh ngày 21/3/1967; liệt sĩ Huỳnh Khuôn, hy sinh ngày 20/3/197; liệt sĩ Huỳnh Thị Tư, hy sinh ngày 11/8/1973. Cha của tôi là Huỳnh Trèo cũng bị Mỹ bắn chết khi ông đi tiếp tế lương thực cho du kích vào năm 1968. Với 4 người con là liệt sĩ, bà nội tôi được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ngày 17/12/1994.
Nguyên Bí thư Thị ủy Đức Phổ Cao Văn Lệ cho biết, từ năm 1966 - 1973 là giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất. Bởi vì lúc này Mỹ đã chiếm đóng toàn huyện, thiết lập căn cứ quân sự Gò Hội lớn thứ hai ở tỉnh Quảng Ngãi. Từ điểm cao Núi Giàng và sân bay Gò Hội, chúng liên tục dùng pháo binh bắn phá vào Phổ Quang. Khi nghi ngờ có lực lượng cách mạng hoạt động, chúng liền cho trực thăng oanh tạc bắn rocket hoặc đổ quân càn quét, khui hầm, giết chóc cán bộ, du kích và cả dân thường. Nhân dân một số đi di tản lên sống ở vùng địch chiếm đóng, một số ở lại bám trụ giữ làng, giúp đỡ du kích chiến đấu. Mọi người ở lại đều phải đào hầm bí mật trú ẩn, ban ngày chui xuống hầm, ban đêm chui lên hoạt động.
Ở cách nhà anh Huỳnh Tấn Lộc khoảng 50m là nhà ông Hồ Luận (61 tuổi). Cha của anh Luận là liệt sĩ Hồ Mộng, bị giặc Mỹ đi càn khui hầm ném lựu đạn giết chết vào tháng 9/1969, lúc đó ông là cán bộ an ninh thôn. Để trả thù cho cha, anh trai ông Luận là Hồ Nông đã nhập ngũ vào đơn vị C219 Đức Phổ, dũng cảm chiến đấu, được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và đã anh dũng hy sinh trong trận đánh đồn Phổ Thuận tháng 10/1972. Mẹ của ông Luận là bà Huỳnh Thị Quảng, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng năm 2018.
Cách vườn nhà anh Hồ Luận 100m là nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Quê. Mẹ có hai người con trai là Nguyễn Tài và Nguyễn Suối. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, hai anh đã lên đường nhập ngũ vào quân giải phóng và đã anh dũng hy sinh. Còn rất nhiều gia đình ở xóm nhỏ Du Quang có 1 - 2 liệt sĩ, như gia đình anh Hồ Tấn Phát, bà Hồ Thị Thể, ông Thiều Quang Tâm, ông Lê Chánh…
Xóm nhỏ Du Quang vốn dĩ dân cư sống hiền hòa, thân thiện, nhưng chiến tranh đã gây ra bao nhiêu đau thương, tang tóc. Giờ đây, với đức tính cần cù, người dân ở xóm Du Quang nói riêng và phường Phổ Quang nói chung, tích cực lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Cái giá cho sự hòa bình, người dân ở phường Phổ Quang nói riêng và cả nước nói chung đã đánh đổi bằng biết bao xương máu. Lịch sử mãi mãi không quên công ơn của các anh hùng liệt sĩ.
Bài, ảnh:
VŨ QUANG