(Báo Quảng Ngãi)- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã phá tan hai xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật đổ chế độ phong kiến tồn tại ở nước ta hàng nghìn năm, đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa Đảng ta từ một đảng hoạt động bí mật trở thành một đảng cầm quyền; đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
|
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: TL |
Để đánh giá về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cần phải nhìn nhận một cách đầy đủ và toàn diện cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Đối với nguyên nhân khách quan, chúng ta không phủ nhận sự kiện ngày 13/8/1945 phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh là nguyên nhân khách quan, quan trọng, là điều kiện thuận lợi để Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền trong cả nước. Nhưng đồng thời cũng phải khẳng định nguyên nhân chủ quan là sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mới là nguyên nhân quyết định để giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thứ nhất, bản lĩnh, trí tuệ, sự kiên trì của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 15 năm xây dựng lực lượng, để giành được chính quyền trong vòng 15 ngày.
Trong vòng 15 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành 3 phong trào cách mạng: Phong trào cách mạng 1930 - 1931; phong trào đòi dân chủ, dân sinh 1936 - 1939; cao trào cách mạng, khởi nghĩa từng phần để tiến tới giành chính quyền trong cả nước 1939 - 1945. Trải qua 3 phong trào cách mạng, Đảng đã góp phần giáo dục tư tưởng, giác ngộ cách mạng, rèn luyện tinh thần đấu tranh, nâng cao nhận thức chính trị cho đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ thực tiễn đấu tranh, Đảng đã xây dựng được lực lượng quân sự, chính trị to lớn, tạo ra thế và lực mới cho phong trào cách mạng. Đảng có sự trưởng thành về lý luận và thực tiễn; uy tín của Đảng lan rộng và thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân. Đảng thống nhất về tư tưởng và hành động; hệ thống tổ chức đảng được tăng cường, đội ngũ đảng viên có bước phát triển về chất và lượng, đây là bước chuẩn bị quyết định cho cuộc đấu tranh giành chính quyền.
Thứ hai, bản lĩnh, trí tuệ, linh hoạt, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược tại Hội nghị Trung ương VIII (5/1941) để phù hợp với tình hình thế giới và phong trào cách mạng trong nước.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, trước tình hình thế giới và trong nước có sự chuyển biến, Đảng đã nhanh chóng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược thông qua 3 hội nghị (Hội nghị Trung ương VI tháng 11/1939; Hội nghị Trung ương VII tháng 11/1940; Hội nghị Trung ương VIII tháng 5/1944). Qua 3 hội nghị, Đảng đã xác định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược: Đặt nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu; chủ trương đoàn kết rộng rãi lực lượng toàn dân tộc; chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước; đặt công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang làm nhiệm vụ trung tâm của cách mạng Đông Dương; coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng, bảo đảm cho Đảng thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân “Đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng”.
Quá trình chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đã giải quyết được mục tiêu hàng đầu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc, đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng nhân dân, là cơ sở để Đảng có đường lối đúng đắn lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, lật đổ chế độ phong kiến giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 sau này.
Thứ ba, sự chủ động, tích cực của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VIII tháng 5/1941, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng lực lượng mọi mặt. Xây dựng lực lượng chính trị: Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời. Về xây dựng lực lượng vũ trang: Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Xây dựng căn cứ địa cách mạng: Từ năm 1941 Nguyễn Ái Quốc về nước đã chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng, tạo lập các chiến khu. Về đấu tranh chính trị: Đảng phát động quần chúng đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang... tạo nên không khí cách mạng sôi nổi trên cả nước. Đấu tranh trên mặt trận văn hóa - tư tưởng: Tuyên truyền đường lối cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, cổ vũ quần chúng gia nhập trận tuyến cách mạng. Về công tác xây dựng Đảng: Coi trọng sự củng cố, thống nhất trong Đảng, giữ vững sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong hàng ngũ của Đảng; tăng cường đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên.
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, công tác chuẩn bị lực lượng của Đảng đã hoàn tất. Đảng đã xây dựng được căn cứ cách mạng, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang lớn, uy tín của Đảng và Mặt trận Việt Minh ngày càng lan rộng trong quần chúng nhân dân. Đây là điều kiện thuận lợi để Đảng phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước và tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Thứ tư, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cao trào kháng Nhật, cứu nước, khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở từng địa phương, tạo tiền đề cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau khi phát xít Nhật đã tiến hành làm đảo chính hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương. Ngay trong đêm 9/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại Từ Sơn (Bắc Ninh), ra bản Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau hành động của chúng ta”. Chỉ thị xác định: Kẻ thù chính, cụ thể, trước mắt của nhân dân Đông Dương là phát xít Nhật và chính phủ bù nhìn của bọn Việt gian thân Nhật. Hội nghị đã quyết định “Phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa” và “sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện”.
Bài học vẫn còn vẹn nguyên giá trị
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Một là, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giải quyết đúng đắn mối quan hệ độc lập dân tộc và dân chủ. Hai là, xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc dựa trên nền tảng vững chắc của khối liên minh công nông, đấu tranh vì độc lập tự do. Ba là, kiên quyết sử dụng bạo lực cách mạng để giành chính quyền, đồng thời triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, tranh thủ những phần tử trung lập, lưng chừng, tập trung mọi lực lượng chống kẻ thù nguy hiểm nhất. Bốn là, kịp thời nắm bắt thời cơ, chủ động sáng tạo trong sử dụng các hình thức, phương pháp thích hợp. Năm là, xây dựng Đảng vững mạnh, đủ bản lĩnh, trí tuệ, uy tín để lãnh đạo thành công cuộc cách mạng.
|
Thực hiện chủ trương của Đảng, cao trào kháng Nhật cứu nước là làn sóng khởi nghĩa từng phần dâng lên mạnh mẽ trong cả nước. Tháng 6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc ra đời. Phong trào khởi nghĩa từng phần đã làm tan rã một bộ phận chính quyền của phát xít Nhật và tay sai ở nông thôn, từng bước tạo đà cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cùng với khởi nghĩa từng phần, Đảng phát động phong trào “Phá kho thóc của Nhật giải quyết nạn đói” thu hút hàng triệu quần chúng tham gia, qua phong trào, Đảng đã xây dựng được lực lượng đấu tranh chính trị tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, là lực lượng quan trọng chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đến giữa tháng 8/1945, phong trào đấu tranh của quần chúng dâng cao, cả nước sôi sục trong không khí cách mạng, sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền.
Thứ năm, bản lĩnh, trí tuệ, sự nhạy bén của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dự đoán thời cơ và chớp thời cơ đối với Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được đánh giá “ngàn năm có một”, nhưng vấn đề chớp thời cơ lại là sự sáng suốt, nhạy bén của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay khi nghe tin phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, ngày 13/8/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định phát động toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc. Tiếp đó, từ ngày 13 - 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã ra phương châm hành động là phải khẩn trương, kịp thời giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào. Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Vào lúc 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân diễn ra tại Tân Trào (Tuyên Quang). Đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức là Chính phủ Cách mạng lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Trong thời điểm lịch sử nóng bỏng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng, của Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, hơn 20 triệu đồng bào từ Bắc tới Nam đã vùng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi oanh liệt trên toàn quốc trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 - 28/8/1945). Thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của sự sáng suốt của Đảng trong 15 năm lãnh đạo cách mạng; là sự thắng lợi của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, góp phần mở ra thời kỳ tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới, thúc đẩy và cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, xác lập và nâng cao vị thế quốc tế của dân tộc Việt Nam trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong, thúc đẩy sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
LÊ QUANG HUY