Chiều 22/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) - định chế tài chính công quan trọng của Nhật Bản, đồng thời là đối tác phát triển tin cậy của Việt Nam trong thời gian qua.
[links()]
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch JBIC Maeda Tadashi. |
Theo Chủ tịch Quốc hội, chuyến thăm của ông Maeda Tadashi sẽ góp phần thiết thực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước cả về chính trị, ngoại giao và kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển.
Chủ tịch JBIC Maeda Tadashi bày tỏ vinh dự được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành thời gian tiếp; cho biết, chuyến thăm nhằm góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản và triển khai các hoạt động thúc đẩy xây dựng cộng đồng phát thải ròng bằng 0 ở châu Á.
Đánh giá các chính sách của Việt Nam đã và đang mang lại những kết quả đáng ghi nhận, là quốc gia có đà tăng trưởng mạnh mẽ, nổi bật, Chủ tịch JBIC cũng nhấn mạnh, trong thành tựu chung đó có vai trò hết sức quan trọng của Quốc hội Việt Nam.
Chia sẻ các thách thức của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, Chủ tịch JBIC nêu một số ý tưởng triển khai xây dựng cộng đồng phát thải ròng bằng 0 tại châu Á, cũng như các định hướng hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới và cho rằng, việc xây dựng cộng đồng phát thải ròng bằng 0 tại châu Á sẽ là một trong những chương trình hữu ích hỗ trợ Việt Nam thực hiện được các cam kết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý tưởng, đề xuất hợp tác của JBIC với Việt Nam, nhất là trong vấn đề chuyển đổi năng lượng, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới; cảm ơn JBIC cấp tín dụng và thu xếp vốn cho nhiều dự án năng lượng quan trọng của Việt Nam trong thời gian qua; đánh giá cao đóng góp của JBIC trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư không chỉ giữa Nhật Bản với Việt Nam mà còn ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tuy là một quốc gia đang phát triển nhưng tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, tương đương với cam kết của các nước châu Âu về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Điều này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề toàn cầu.
Dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng cùng với sự tự lực, tự cường của Việt Nam và sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản và JBIC, Việt Nam sẽ thực hiện được cam kết này.
Với vai trò là cơ quan lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia và giám sát tối cao, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để thúc đẩy thực hiện được các cam kết tại COP26 thì trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Tới đây, Quốc hội cũng sẽ xem xét sửa đổi Luật Dầu khí, Luật Điện lực cùng các quy hoạch tổng thể quốc gia liên quan.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn JBIC và các đối tác hợp tác phát triển hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hoàn thiện thể chế về thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; đề nghị JBIC hỗ trợ Việt Nam trên cả hai lĩnh vực gồm: Tư vấn kỹ thuật trong việc tính toán chiến lược, lộ trình chuyển đổi có tính khả thi, vừa đạt được mục tiêu, vừa bảo đảm sự cân bằng về chi phí trong từng giai đoạn cũng như dài hạn, không tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và người dân và hỗ trợ Việt Nam tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng các dự án năng lượng xanh, chuyển đổi năng lượng có mức lãi suất phù hợp.
Chủ tịch JBIC cho biết, JBIC mong muốn hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, xây dựng lộ trình tiếp cận nguồn năng lượng mới. JBIC cũng sẽ nghiên cứu để có cơ chế hỗ trợ tín dụng tối ưu cho Việt Nam.
Theo
Báo Đại biểu Nhân dân