(Báo Quảng Ngãi)- Phriđrich Ăngghen sinh ngày 28.11.1820 trong một gia đình chủ xưởng dệt ở thành phố Barơmen, vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức), là một nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà cách mạng, nhà lý luận chính trị, nhà triết học người Đức và là chiến sĩ cách mạng vĩ đại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
[links()]
Ông Phriđrich Ăngghen. ẢNH: T.L |
Tốt nghiệp tú tài, Ph.Ăngghen vâng lời cha thôi học, theo nghề kinh doanh thương mại. Những quan sát xã hội và hoạt động thực tiễn đã làm biến chuyển thế giới quan và tư duy chính trị của ông. Từ con đường tự học, học trong sách báo, trong các câu lạc bộ bác học, trong tổng kết thực tiễn và trong sự phẫn nộ với xã hội đương thời, Ph.Ăngghen đã trở thành một nhà bác học. Trên con đường học tập và nghiên cứu, Ph.Ăngghen đã gặp C.Mác một cách gián tiếp thông qua đọc các tác phẩm của C.Mác. Hai con người xa lạ, từ những hoàn cảnh xuất thân, môi trường giáo dục và quá trình đào tạo rất khác nhau đã trở thành hai người đồng chí, hai người bạn với một tình bạn vĩ đại và cảm động. Chính hai ông là những người đồng sáng lập nên một học thuyết vĩ đại trong lịch sử nhân loại.
Vào đầu những năm 40 của thế kỷ XIX, mặc dù phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đã phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn mang tính tự phát, chưa có mục tiêu rõ rệt; giai cấp công nhân còn chưa nhận thức được lợi ích giai cấp và sứ mệnh lịch sử cao cả của mình. Những học thuyết khác nhau của chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa cải lương, tư tưởng vô chính phủ đều thất bại và đem lại những tổn thất to lớn cho phong trào công nhân. Nhu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân lúc này là cần có một học thuyết cách mạng chỉ đường, giúp cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ tự phát trở thành tự giác, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vĩ đại của mình. C.Mác và Ph.Ăngghen đã đáp ứng xuất sắc yêu cầu đó của thời đại.
C.Mác, Ph.Ăngghen đã trực tiếp tham gia vào phong trào công nhân để giác ngộ và từng bước xây dựng tổ chức cộng sản đầu tiên của giai cấp vô sản; tham gia cải tổ “Liên đoàn những người chính nghĩa” thành “Liên đoàn những người cộng sản” - tổ chức đảng vô sản đầu tiên của giai cấp công nhân. Nhằm tạo cơ sở lý luận ban đầu cho tổ chức đảng vô sản hoạt động, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thảo ra “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản”. Riêng Ph.Ăngghen viết “Về lịch sử Liên đoàn những người cộng sản”. Sau này, C.Mác trực tiếp soạn thảo “Tuyên ngôn thành lập Hội liên hiệp công nhân quốc tế” và cùng với Ph.Ăngghen soạn thảo “Điều lệ chung và các quy chế hành chính” của Quốc tế thứ Nhất. Đó chính là những văn kiện có tính chất cương lĩnh và cơ sở tổ chức của các tổ chức cộng sản tiền bối.
Những tác phẩm mà Ph.Ăngghen viết cùng với C.Mác cũng như những tác phẩm của Ph.Ăngghen đã trở thành những tác phẩm kinh điển, trong đó lần đầu tiên nhiều luận điểm, nguyên lý, quy luật và phạm trù của triết học mà C.Mác và ông xây dựng đã được trình bày một cách có hệ thống. C.Mác đánh giá rất cao những kiến thức bách khoa của Ph.Ăngghen, trí nhớ kỳ lạ, tầm nhìn xa trông rộng, những ham thích tinh thần nhiều mặt của Ph.Ăngghen. Ông cũng là người đầu tiên vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc nhận thức những quy luật của tự nhiên, luận giải, khái quát những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên đương thời và đưa ra những tiên đoán thiên tài về mối liên hệ giữa triết học với khoa học tự nhiên, về sự phát triển của khoa học trong tương lai, đồng thời chứng minh rằng chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật là cơ sở lý luận, phương pháp luận không chỉ cho các khoa học xã hội, mà còn cho cả các khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật.
Không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại, cùng với C.Mác, Ăngghen đã đem nghị lực sôi sục, trí tuệ sáng suốt và trái tim nồng cháy của mình tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm đấu tranh cho sự nghiệp của giai cấp công nhân. Tài năng của Ăngghen với tư cách một nhà chiến lược và sách lược cách mạng thể hiện xuất sắc trong các thời kỳ cách mạng 1948-1949 ở Châu Âu, thời kỳ hoạt động của Quốc tế I và Công xã Paris.
Ông còn là người có công đặt nền móng xây dựng và phát triển học thuyết mácxít về quân đội, về chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng. Đặc biệt, tư tưởng quân sự của Ph.Ăngghen đã giải đáp một cách khoa học những vấn đề rất cơ bản về chiến tranh và quân đội. Những tư tưởng, lý luận quân sự của Ph.Ăngghen có cơ sở trực tiếp từ hiện thực đấu tranh giai cấp, chiến tranh và quân đội đương thời. Những đóng góp của Ph.Ăngghen trong lĩnh vực khoa học và nghệ thuật quân sự đã làm phong phú, sâu sắc và toàn diện hơn di sản lý luận tư tưởng của chủ nghĩa Mác trong kho tàng tri thức, tư tưởng văn hóa nhân loại.
Từ sau năm 1846 đến năm 1883, ông đã xuất bản tác phẩm Chống Đuyrinh (1878) góp phần to lớn cho việc hoàn thiện lý luận của chủ nghĩa Mác. Sau khi C.Mác qua đời, Ph.Ăngghen đã gác bỏ nhiều dự định riêng của mình, tập trung thời gian, công sức để thực hiện một công việc vô cùng nặng nề, khó khăn mà chỉ Ph.Ăngghen mới có thể làm được là chỉnh lý, biên tập và cho xuất bản quyển II, quyển III Bộ ''Tư bản'' mà Mác để lại còn dưới dạng các bản thảo. Đây là tác phẩm lớn nhất, vĩ đại nhất của C.Mác và chủ nghĩa Mác. Nói về ông, V.I.Lênin đã khẳng định Ph.Ăngghen là một “bó đuốc sáng ngời” trong những trí tuệ anh minh, là một “trái tim vĩ đại” trong những trái tim nhân loại.
Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Ph.Ăngghen (1820 - 2020), chúng ta càng trân trọng và sự ngưỡng mộ tài năng về sự khiêm nhường của một nhà lý luận cách mạng vĩ đại của giai cấp công nhân, của phong trào cộng sản quốc tế, người bạn, người đồng chí thân thiết của C.Mác đã cùng ông sáng lập ra chủ nghĩa Mác.
Đào Văn Quang