Văn hóa, giáo dục phải là nền tảng của sự phát triển

09:11, 25/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Văn hóa và giáo dục đang là vấn đề được nhiều cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm. Do đó, đã có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Quang Thích cho rằng: Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, tại dòng đầu tiên trang 50 nên bổ sung và chỉnh lý lại là “tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể trong vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội.  
Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trong tiến trình phát triển là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.  ẢNH: H.T
Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trong tiến trình phát triển là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. ẢNH: H.T
Củng cố tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tích cực tham gia quản lý xã hội, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tăng cường đối ngoại nhân dân; phát huy sức mạnh nhân dân trong thế trận lòng dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
 
Củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng luôn được xem là nhiệm vụ, mục tiêu của Đảng trong suốt chiều dài lịch sử. Niềm tin ấy được minh chứng từ thực tiễn, những điều tốt đẹp và trực tiếp được hưởng thụ thành quả mà cách mạng đem lại. Điển hình nhất phải kể đến là kết quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới, dù chưa được mỹ mãn, nhưng đã đem lại cho nhiều miền quê trên đất nước, có những thay đổi làm cho nhân dân phấn khởi. Những xử lý hiệu quả của nước ta trong việc kiểm soát và dập dịch Covid-19 khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Những việc làm thiết thực của cả hệ thống chính trị, của tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm trong việc hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung đang oằn mình vượt qua lũ lụt đang làm cho mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, quan hệ giữa con người với con người để lại dấu ấn đậm nét trong lòng nhân dân cả nước.
 
Về nội dung xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, có một số điểm mới và khá nhiều nội dung được bổ sung, phát triển trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trong đó, lần đầu tiên Đảng ta đề cập đến nhiệm vụ “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” vừa mang tính lý luận, khái quát, vừa mang tính thực tiễn rất cao và cơ sở để những hệ giá trị đó trở thành động lực quan trọng “khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh...”.
 
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng: "Nếu nói văn hóa là nền tảng, thì nền tảng này phải giữ thế nào? Tôi nghĩ, cần phải suy nghĩ rất kỹ, đặt ra những giải pháp hết sức quyết liệt cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và đặc biệt không thể thiếu sự kiểm duyệt. Ông cha ta có truyền thống giữ nước. Giữ nước là giữ được văn hóa. Vậy cần phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa để văn hóa Việt không bị ngoại lai, xâm lấn và biến tướng. Việt Nam ta dù hàng nghìn năm Bắc thuộc, nhưng vẫn giữ được văn hóa, bản sắc của người Việt. Vì vậy, tôi nghĩ trong thời kỳ đổi mới mạnh mẽ hiện nay, việc giữ gìn bản sắc dân tộc phải hết sức quyết liệt. Nếu không, sẽ bị thị trường chi phối, từ đó đạo đức sẽ xuống cấp. Tôi nghĩ rằng, trong nhiệm kỳ tới chúng ta phải đặt vấn đề gìn giữ, phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc tương xứng với lĩnh vực phát triển kinh tế. Điều này không mới, nhiều kỳ đại hội đã đặt ra, nhưng đó vẫn là vấn đề rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay".
 
Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có đặt ra một số vấn đề về phát triển giáo dục - đào tạo. Nội hàm của văn kiện yêu cầu giáo dục đào tạo phải có những điểm nhấn, đột phá và khả thi. Bởi không có quốc gia nào phát triển mà không xuất phát từ giáo dục. Do đó, giáo dục phải được đặt xứng tầm với vị thế là gốc, là nền tảng của sự phát triển.
 
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính  - Kế toán Bùi Phụ Anh cho rằng: "Vấn đề nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục lâu nay tưởng như đã được làm triệt để và tạo sự thay đổi tư duy về giáo dục đào tạo trong toàn xã hội, nhưng thực tế chưa bền vững. Chính vì vậy, cần nhận thức đúng về khoa học giáo dục, bản chất của giáo dục, trách nhiệm xã hội trong hoạt động giáo dục... Trước yêu cầu mới, nhiều vấn đề mới đang đặt ra về lý luận cũng như thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, như tái cơ cấu hệ thống giáo dục và phân cấp quản lý; bảo đảm công bằng trong giáo dục; xây dựng và giáo dục con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của công dân toàn cầu; việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập... Tôi cho rằng, nên đổi mới giáo dục theo hướng xây dựng con người Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trí tuệ và phải gắn với việc giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam".
 
THANH THUẬN
 
 
 

.