Dân vận- Những bài học luôn mới- Kỳ 1: Khó vạn lần dân liệu cũng xong

09:10, 12/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những thành tựu kinh tế- xã hội, ANQP và xây dựng Đảng mà tỉnh ta đạt được trong thời gian qua là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh. Trong đó, công tác Dân vận đã có những đóng góp quý báu vào những thành quả chung đó.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 1: Khó vạn lần dân liệu cũng xong


Sau ngày giải phóng, Công trình thủy lợi Thạch Nham và NMLD Dung Quất là những đại công trình của Quảng Ngãi, góp phần làm cho quê hương Quảng Ngãi thay đổi lớn. Một bên làm thay đổi hoàn toàn diện mạo ngành nông nghiệp, một bên đặt nền móng cho nền công nghiệp hiện đại của tỉnh nhà. Để có các “công trình thế kỷ” ấy, sức mạnh của nhân dân đã được phát huy tối đa.


Sức dân mạnh như “sức nước”

Trong vòng 30 năm qua, dấu ấn lớn nhất của Quảng Ngãi là cuộc cách mạng trong nông nghiệp với Công trình thủy lợi Thạch Nham. Để giải cứu cho hơn 22.000ha đất nông nghiệp khô cằn, tỉnh Nghĩa Bình khi ấy đã quyết định xây dựng Công trình thủy lợi Thạch Nham- một đại công trình lịch sử được xây nên bởi ý chí và sự đồng lòng của biết bao con người. Năm 1986, khi “cỗ xe” Thạch Nham chuyển bánh, cũng là lúc hàng vạn thanh niên đã đến với đại công trường này. Ở tuổi 62, tóc đã điểm bạc, nhưng nhắc đến những ngày tháng không quên đó, bà Ngô Thị Thương ở xã Sơn Nham (Sơn Hà) giọng lại trẻ trung như thuở nào.

Công trình thủy lợi Thạch Nham lúc đang thi công vào năm 1986. Ảnh: Tư l iệu
Công trình thủy lợi Thạch Nham lúc đang thi công vào năm 1986. Ảnh: Tư l iệu


Quê bà Thương mãi tận Bình Sơn, nhưng ở tuổi 30, bà quyết định theo chồng đến với Thạch Nham. Ngày ấy, công việc ngồn ngộn, người cầm cuốc, người cầm xẻng, người đẩy xe cút kít, xe cải tiến... làm quần quật. Với hàng ngàn người có mặt trên công trường cùng lúc, nguồn lương thực, thực phẩm không đủ để cung cấp. Trong hoàn cảnh ấy, nhân dân trong vùng đã góp gạo, góp củ để ủng hộ bữa ăn cho công nhân. “Cuộc sống của nhân dân trong tỉnh thời đó rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng họ vui vẻ nhường cơm, sẻ áo cho công nhân, những mong công trình sớm đưa nước về những cánh đồng đang cháy khát. Đó là quãng thời gian mà đến bây giờ chúng tôi vẫn không sao quên được”, giọng bà Thương đầy xúc động.
 

"Trong giai đoạn 2015-2020, chúng ta phải thực hiện nhiều cuộc di dân với qui mô lớn, nhằm phục vụ dự án mở rộng NMLD Dung Quất, xây dựng Nhà máy điện Sembcorp (Singapore),  xây dựng KCN- đô thị- dịch vụ VSIP… nên đòi hỏi phải làm tốt công tác vận động dân. Nhưng để người dân tin, chúng ta phải thực hiện tốt công tác TĐC, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, nhất là đối với những người có đất bị thu hồi…”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ, nói.

Giai đoạn 1987 - 1995, ông Lê Trung Kỳ (78 tuổi) là Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lâm, địa phương đầu tiên được hưởng nước tưới từ Công trình thủy lợi Thạch Nham phía kênh chính Nam. Trong khu vườn rợp bóng cau, phóng tầm mắt về cánh đồng xanh mát mắt, ông Kỳ nhớ lại những năm tháng không thể nào quên về những người nông dân chân chất quê ông chung tay xây nên Công trình thủy lợi Thạch Nham. Đưa tay chỉ về phía đoạn kênh chính chạy ngang qua xã, ông Kỳ trầm ngâm: “Để có đoạn kênh dài hàng kilômét băng qua cánh đồng như vậy,  bà con phải hiến rất nhiều ruộng, vườn. Tuy nhiên, có ai đặt vấn đề đền bù, bồi thường gì đâu, tất cả đều tự nguyện dọn dẹp đất đai để thi công công trình hết đó”. Vì sao ư? Vì công trình thủy lợi Thạch Nham là niềm mong mỏi của hàng trăm ngàn người dân Quảng Ngãi.

Thời kỳ ấy, nói về công tác vận động quần chúng nhân dân, thì chúng tôi làm rất nhẹ nhàng, nhanh gọn. Nếu có được chủ trương đúng đắn, công trình đáp ứng được mong mỏi của nhân dân thì việc huy động sức dân là rất dễ dàng”. Rồi ánh mắt ông Kỳ bỗng rực sáng, giọng sôi nổi hẳn khi ông kể về việc người dân Nghĩa Lâm dành 30 chiếc ghe để chở công nhân, đưa đất đá vượt sông Trà Khúc thi công đầu mối Thạch Nham. “Tôi nhớ nhất là anh Trần Ninh, suốt 3 năm trời đưa người qua lại đoạn sông này mà không nhận một đồng tiền công nào. Mãi đến khi có cây cầu nối hai bờ sông, thì công việc của anh mới chấm dứt”, ông Kỳ hồi tưởng.

Không những thế, vào các dịp Tết Nguyên đán, chính quyền xã Nghĩa Lâm còn vận động bà con đóng góp gạo, nếp, thịt bò để tặng cho anh em công nhân ở lại ăn Tết trên công trường. Nhắc đến việc này, ông Trương Minh Khiêm, nguyên Đội trưởng đội 4 (nay là Công ty CP Tư vấn, khảo sát và xây dựng số 4), đơn vị tham gia, khảo sát xây dựng công trình Thạch Nham, bùi ngùi: “Sự giúp đỡ ân cần, nhường cơm, sẻ áo của người dân Quảng Ngãi dành cho công nhân, kỹ sư làm việc trên công trường xây dựng thủy lợi Thạch Nham rất đáng quý. Tình cảm ấy sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí chúng tôi”.

Nhớ về thời kỳ ấy, ông Nguyễn Xuân (58 tuổi) ở thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), chia sẻ: “Hồi đó, chỉ cần đánh kẻng là thanh niên tự giác vác cuốc ra công trường. Ngày các tuyến kênh đầy nước, chúng tôi vui mừng không khác gì ngày quê hương được giải phóng”.   

Ra đi để có “công trình thế kỷ”

Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ có quyết định đầu tư xây dựng NMLD Dung Quất ở khu đông huyện Bình Sơn. Dự án lọc dầu đầu tiên của cả nước cần mặt bằng xây dựng lên đến hàng trăm hecta, khiến trên 1.800 hộ dân phải rời xa chỗ “chôn nhau cắt rốn” của mình. Quảng Ngãi bước vào cuộc “di dân” lớn nhất kể từ ngày quê hương được giải phóng.

Hàng ngàn người dân đã di dời, nhường đất để có NMLD Dung Quất hôm nay. Công trình thủy lợi Thạch Nham lúc đang thi công vào năm 1986.                                                                                                Ảnh: Tư l iệu
Hàng ngàn người dân đã di dời, nhường đất để có NMLD Dung Quất hôm nay.


Đến nay đã ngót 20 năm, kể từ ngày 333 hộ dân của thôn Lệ Thủy và Phước Hòa (Bình Trị, Bình Sơn) chuyển về khu TĐC xã Bình Thanh Tây. Những ngày vận động người dân di dời, giao mặt bằng cho NMLD Dung Quất chẳng thể nào phai mờ trong ký ức của ông Đào Tấn Khả (63 tuổi) - Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình Trị giai đoạn 1994 - 2005. Ông Khả, kể: “Khi mới bắt đầu triển khai vận động nhân dân nhường đất xây dựng NMLD Dung Quất, ngay trong đội ngũ cốt cán của xã cũng chưa thật hiểu rõ khi nào dự án mới triển khai. Nhưng nhờ sự chỉ đạo cụ thể, sát sao, quyết liệt của tỉnh, huyện nên cán bộ cũng đã hiểu”.

Cũng theo ông Khả, khi nói chuyện với bà con, ông đều dẫn chứng: Đất nước được hòa bình, độc lập đã lâu, nhưng cuộc sống của người dân còn khó khăn quá. Quảng Ngãi chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp thôi thì chưa đủ, phải có nền công nghiệp hiện đại nữa. Vì vậy, chúng ta rất cần NMLD đầu tiên này. Rồi chúng tôi khơi dậy truyền thống cách mạng của quê hương Bình Trị, để thuyết phục bà con nhường đất xây dựng nhà máy.

Sau đó, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện Bình Sơn và các xã khu đông của huyện đã bám dân, kiên trì vận động, thuyết phục, để người dân hiểu được ý nghĩa to lớn của dự án. Không kể ngày đêm, các đoàn công tác đến tận nhà dân để lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhằm tạo sự đồng thuận, hợp tác để nhanh chóng có “đất sạch” cho NMLD Dung Quất.

Nhắc đến vai trò tiên phong, gương mẫu của những cán bộ, đảng viên trong diện phải di dời, đến giờ, cán bộ và người dân các xã Bình Trị, Bình Thanh Tây đều không thể quên được ông Dương Thanh Hùng (63 tuổi). Năm 1997, ông Hùng khi ấy là Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Công an xã Bình Trị đã tự nguyện về với khu tái định cư Gò Đường, xã Bình Thanh Tây (Bình Sơn). Ngước ánh mắt mờ đục về phía xa xăm, ông Hùng hồi tưởng: “Ngày ấy, đâu phải người dân nào cũng đồng tình ra đi nhường đất cho NMLD Dung Quất đâu. Đắn đo mãi, bàn bạc với vợ nhiều ngày liền, tôi quyết định dọn nhà đi trước thôi. Có vậy, bà con mới theo. Nếu cứ tính toán thiệt hơn, thì làm sao có được công trình “thế kỷ” như hôm nay ở Bình Trị”.

Ít người biết rằng, đến nơi ở mới, ông Hùng chịu cảnh “thất nghiệp” gần cả năm trời. Tháng 10.1997, gia đình ông Hùng chính thức vào nơi ở mới, thì đến tháng 7.1998, xã Bình Thanh Tây và Bình Thanh Đông được thành lập trên cơ sở tách xã Bình Thanh. Lúc này, ông Hùng được phân công giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Thanh Tây. Trên cương vị mới, ông Hùng vẫn trăn trở với việc người dân đến đây nhưng chưa có đất để canh tác. Vậy là, ông Hùng cùng tập thể lãnh đạo xã bước vào nhiệm vụ mới: Vận động người dân sở tại nhường một phần đất sản xuất của mình cho người dân đến TĐC. “Dù không phải ai cũng nhanh chóng chia đất mình đang canh tác, nhưng rồi, tất cả đều cắt đất, tự nguyện bàn giao cho người khác. Đấy là việc làm rất cảm động, thể hiện sự sẻ chia của người dân với nhau”, ông Hùng bồi hồi nhớ lại.

Xã Bình Thanh Tây và nhiều xã ở khu đông Bình Sơn gắn liền với cuộc di dân để nhường đất cho NMLD Dung Quất. Giờ đây, các hộ dân ra đi vì NMLD Dung Quất dù chưa hẳn đã khấm khá, nhưng nhớ đến cuộc di dân năm xưa, nhiều người vẫn rất đỗi tự hào về một thời hy sinh cho sự phát triển của quê nhà.

Bài, ảnh:  N.TRIỀU - X.THIÊN

 


.