(Báo Quảng Ngãi)- Đầu năm 1930, lợi dụng Đảng ta mới ra đời còn non trẻ, thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai đã ra sức đàn áp, bóc lột rất khốc liệt người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, hòng triệt tiêu phong trào cách mạng của ta từ trong trứng nước. Dẫu vậy, dòng thác cách mạng ở hai địa phương này vẫn nổ ra và lan rộng ra trong vùng, trong đó phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh được xem là đỉnh cao của phong trào cách mạng giai đoạn 1930-1931.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh mở đầu bằng cuộc biểu tình ngày 1.5.1930 của công nhân Bến Thủy và nông dân 5 xã ven thành phố Vinh. Từ đó đến tháng 8.1930, vùng Nghệ- Tĩnh đã diễn ra 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân. Đến tháng 9.1930, nhiều cuộc biểu tình tự vệ vũ trang kết hợp yêu sách chính trị, đấu tranh bạo động và đấu tranh chính trị với quy mô lớn nổ ra.
Phù điêu cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ. |
Bắt đầu là cuộc biểu tình của người dân ở Hưng Nguyên (Nghệ An) trong ngày 12.9.1930, với khoảng 8.000 nông dân kéo về phủ lỵ và trương các khẩu hiệu: Bỏ sưu thuế, bớt giờ làm, chống khủng bố trắng, đòi chia lại ruộng đất…Dòng người biểu tình càng đi càng được bổ sung đông, khi đến thành phố Vinh thì có đến 30.000 người…Đây cũng là điều kiện để hình thành các xã bộ nông đầu tiên (một hình thức chính quyền) tại các huyện, thị xã: Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ… sau này chúng ta gọi là chính quyền Xô viết… Phong trào này được đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua Xứ ủy Trung Kỳ. Chính vì thế, ngày 12.9 hằng năm được chọn làm mốc thời gian kỷ niệm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Khi phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh dâng lên cao thì cũng là lúc Xứ ủy Trung Kỳ ra Chỉ thị cho Đảng bộ các tỉnh đấu tranh chia lửa với Xô viết Nghệ -Tĩnh. Và Quảng Ngãi là địa phương đi đầu hưởng ứng lời kêu gọi này với tinh thần “…Việt Nam độc lập, chính quyền về tay công nông binh!; Ủng hộ Nghệ An đỏ, chống khủng bố Nghệ Tĩnh…”. Thạc sĩ Trần Văn Dư- Phó Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh, cho biết: Cuối tháng 9.1930, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ nhất và vạch ra kế hoạch phát động đợt đấu tranh rộng lớn trong toàn tỉnh nhằm hưởng ứng và chia lửa cùng Xô viết Nghệ Tĩnh. Và Tỉnh ủy đã chọn Đức Phổ để triển khai thí điểm phong trào này.
Vì sao là Đức Phổ mà không phải một địa phương nào khác? Chúng tôi đặt vấn đề và được thạc sĩ Trần Văn Dư, lý giải: Tuy là mảnh đất cực nam của tỉnh nhưng người dân Đức Phổ đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, nhất là tầng lớp thanh niên. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đức Phổ cũng là nơi hình thành các phong trào đấu tranh yêu nước và là nơi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi. Đến tháng 6.1930, tại làng Hùng Nghĩa (nay thuộc xã Phổ Phong), huyện Đức Phổ đã diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, do đồng chí Nguyễn Nghiêm làm Bí thư. Nơi đây còn có nhiều cơ sở đảng và đảng viên khá đông so với các địa phương khác trong tỉnh (4 chi bộ và 50 đảng viên), đồng thời cũng là nơi có cơ quan của Tỉnh ủy. Chính vì thế, Tỉnh ủy quyết định chọn Đức Phổ để triển khai phong trào này, vì hội đủ điều kiện cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi.
Gò Cây Thị- điểm tập kết lực lượng biểu tình, chuẩn bị kéo đến chiếm Huyện đường Đức Phổ đêm 7.10.1930. |
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm, tối ngày 7.10.1930, lực lượng biểu tình ở 20 làng trong huyện Đức Phổ đã tề tựu tại điểm tập kết gò Cây Thị, gần Trường Lộ Bàn (nay thuộc xã Phổ Ninh). Sau khi nghe Tỉnh ủy vạch trần tội ác của bọn thực dân, phong kiến, tuyên truyền đường lối của Đảng… đã hun đúc khí thế sục sôi tinh thần đấu tranh của 3.000 người tham gia biểu tình kéo về huyện lỵ, do đồng chí Huỳnh Long Thụy- người Phổ Phong phất cao cờ Đảng dẫn đầu.
Đến rạng sáng ngày 8.10, đoàn người biểu tình kéo về huyện lỵ Đức Phổ đã lên 5.000 người và đi đến đâu quần chúng theo đến đó ngày càng nhiều, với nhiều vật dụng được mang theo và khẩu hiệu đấu tranh. “Trước sức ép của đoàn biểu tình, tri huyện Đức Phổ lúc bấy giờ là Nguyễn Phan Long và toàn bộ lại mục, lính chạy trốn trên vùng Gò Hội. Thừa thắng xông lên, đoàn biểu tình đã xông vào huyện đường, đốt cháy công văn, hồ sơ, ấn tín, giải phóng tù nhân trong trại giam, treo cờ, rải truyền đơn. Đến 7 giờ sáng, đoàn biểu tình đã làm chủ huyện lỵ rồi sau đó giải tán”, CCB Trần Văn Giàu, con của ông Trần Văn Thắng (sinh năm 1890, mất năm 1962)- một trong những người ở Lộ Bàn, xã Phổ Ninh tham gia cuộc biểu tình hôm đó, kể.
Thắng lợi của cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ đã tạo điều kiện để Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo nhân dân các địa phương trong tỉnh đứng lên đấu tranh, mặc dù bị bọn thực dân và tay sai ra sức đàn áp một cách dã man, nhiều đồng chí lãnh đạo cuộc biểu tình bị truy bắt kết án tù khổ sai, hoặc xử chém. Điều đó được thể hiện qua đoạn thơ được Ban Tuyên truyền cổ động Tỉnh ủy lúc bấy giờ viết, sau khi chiếm Huyện đường Đức Phổ: “…Giờ giải tán đoàn quân gần nửa vạn/ Phấn khởi về như thắng trận khải hoàn/ Từ đây thề đúc lá gan/ Dò lần theo Đảng lên đường đấu tranh…”. Và ý chí đó được đồng chí Nguyễn Nghiêm- Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh để lại cho đồng chí, đồng bào ta trước khi bị thực dân Pháp đưa đồng chí ra xử chém tại bờ nam sông Trà Khúc (23.4.1931): “Noi gương kẻ trước thờ non nước/ Tiếp chí người sau rửa hận thù/ Lá cờ giai cấp bền tay phất/ Lưỡi kiếm anh hùng cố điểm tô/ Rồi đây bão táp vùi thây giặc/ Việt Nam độc lập đẹp muôn thu”.
Theo thạc sĩ Trần Văn Dư, phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Ngãi trong cao trào 1930-1931 không những chia lửa với Xô viết Nghệ Tĩnh, mà còn thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất, không sợ hy sinh của nhân dân trong tỉnh trước sự tàn bạo của kẻ thù. Đây cũng là mốc son thể hiện sự lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh, mặc dù mới được thành lập. Thắng lợi này cũng đã tạo nền tảng và niềm tin để Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng sau này đi đến thắng lợi vẻ vang.
Bài, ảnh: Phú Đức