Mãn hạn tù ở Buôn Ma Thuột, địch chuyển Nguyễn Chánh ra giam ở Phú Bài (Thừa Thiên-Huế), nơi đã xảy ra những cuộc đấu tranh quyết liệt, dữ dội của tù chính trị. Bị liệt vào những phần tử nguy hiểm bậc nhất, Nguyễn Chánh bị tống vào buồng biệt giam cùng 11 bạn tử tù khác.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cuộc đời tưởng chừng không còn tia hy vọng nào, nhưng Nguyễn Chánh vẫn vững lòng tin chiến thắng, gửi về cho vợ bài thơ “Gắng đợi ngày mai” có đoạn: “Ai về nhắn bạn cố tri,/ Tình riêng ai lại khác gì hơn ai?/ Trên đường gió bụi chông gai/ Đạp bằng ta sẽ cùng ai đi về/ Bóng hồng phủ khắp thôn quê,/ Tình nhà, nợ nước đôi bề vẹn hai,/ Em ơi! gắng đợi ngày mai…”.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, nhân cơ hội này, các tù chính trị ở nhiều nơi đấu tranh quyết liệt buộc giặc Nhật phải thả ra. Nguyễn Chánh tiên đoán và nói với các đồng chí ở ca-sô Huế:
- Tình hình này, nhất định các đồng chí ở căng “an trí” Ba Tơ sẽ khởi nghĩa. Tôi cần phải về ngay.
Đồng chí Nguyễn Chánh (thứ 2 từ trái sang, hàng đứng) cùng các đồng chí chỉ huy đầu tiên của Đội du kích Ba Tơ. |
Quả thật, hai ngày sau, ngày 11-3-1945, đúng như tiên đoán của Nguyễn Chánh, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và giành được thắng lợi lớn. Nguyễn Chánh đã tìm đủ cách bắt được mối, nhờ chị Đào Thị Đính (em ruột cụ Đào Duy Anh) và một chị người Huế có tên là Hồng đang bị giam ở nhà lao Thừa Phủ, liên lạc nhờ ông Tôn Quang Phiệt và ông Phan Nghị Đệ (con trai cụ Phan Bội Châu) đấu tranh quyết liệt với bọn Nhật và cả chính phủ Trần Trọng Kim mới được ra tù. Lường trước được âm mưu giặc Nhật cho tình báo theo dõi ám sát, Nguyễn Chánh đã được cơ sở cách mạng của Đảng mua sắm quần áo, che chở, đùm bọc, đêm đi ngày nghỉ, trở về quê hương an toàn.
Tuy sức khỏe hết sức suy kiệt nhưng trước thời cơ ngàn năm có một của cách mạng, Nguyễn Chánh đã tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sẵn sàng nhận nhiệm vụ thay mặt Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp, làm chính trị viên Đội Du kích Ba Tơ do Phạm Kiệt thành lập đang làm Đội trưởng, Nguyễn Đôn làm chính trị viên, Nguyễn Khoách làm chỉ huy phó.
Đội Du kích Ba Tơ lúc này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Giặc Nhật lùng vây ráo riết, kiểm soát chặt các đầu mối giao thông, tiếp tế. Đội chỉ hoạt động lẩn khuất trong rừng núi, không phát triển được lực lượng, người ốm đau không có thuốc chữa bệnh ngày càng tăng. Mọi người từng được nghe danh Nguyễn Chánh đã làm Bí thư Liên tỉnh ủy Ngãi - Bình - Phú về tăng cường cho đội nên rất tin tưởng phấn khởi.
Nguyễn Chánh bàn với Ban Chỉ huy Đội thường xuyên tập trung coi trọng củng cố thật vững chắc, nghiêm minh, gương mẫu về vai trò lãnh đạo của chi bộ, về tư tưởng chính trị, kỷ luật nội bộ, kỷ luật đối với dân. Đặc biệt, bí mật đưa Đội về đồng bằng, xây dựng “Căn cứ địa trong lòng dân”, chỉ dựa hẳn vào dân mới có thể bảo vệ và phát triển được lực lượng. Đúng như quyết đoán của Nguyễn Chánh, Đội Du kích Ba Tơ về chiếm cứ vùng rừng núi giáp ranh đồng bằng, chỉ trong vòng 3 tháng, từ 28 người đã nhanh chóng phát triển thành một tổ chức tập trung lớn với hơn 2000 người, chưa kể lực lượng dự bị hùng hậu của Đội gồm du kích, tự vệ bán vũ trang với hàng vạn người ở khắp các xóm làng.
Tình hình lúc này, giặc Nhật chỉ còn nắm giữ ở thành phố, thị trấn, các đồn binh tiền tiêu quan trọng, chính quyền nông thôn gần như vô hiệu hóa và thuộc quyền kiểm soát của Mặt trận Việt Minh. Nguyễn Chánh được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy các LLVT của tỉnh kiêm Chính trị viên Đội Du kích Ba Tơ.
Ngày 12-8-1945, nhận được tin mật báo Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Không thụ động chờ lệnh của Ủy ban Toàn quốc, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chớp thời cơ phát động ngay tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh vào ngày 14-8-1945. Đội Du kích Ba Tơ lập tức chia làm nhiều mũi tiến công, kết hợp ngoại công nội ứng và công tác binh vận, đã đánh chiếm các cứ điểm ở 4 huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng, xóa bỏ hệ thống chính quyền của địch và tiến mạnh về đồng bằng. Riêng Nguyễn Chánh và Đội trưởng Phạm Kiệt trực tiếp chỉ huy đánh chiếm đồn sơn phòng Gi Lăng, một cứ điểm kiên cố nhất, địa hình hiểm trở nhất và nhanh chóng đưa quân về tổ chức trận phục kích ở làng Xuân Phổ sát thị xã Quảng Ngãi (nay là TP Quảng Ngãi), đánh bại một toán quân Nhật, khiến bọn chúng vô cùng khiếp sợ.
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng 8-1945 thành công trong cả nước, Nguyễn Chánh tham gia Xứ ủy Trung Kỳ, được cử giữ chức Ủy viên trưởng Quốc phòng của Ủy ban kháng chiến Trung Bộ do đồng chí Trần Hữu Dực làm Chủ tịch, đóng trụ sở ở Huế.
Nhận rõ sâu sắc âm mưu và dã tâm xâm lược của đế quốc Pháp, Nguyễn Chánh làm việc suốt ngày đêm điều phối các lực lượng “Nam tiến” của Trung ương và các đơn vị Du kích Ba Tơ vào chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông, Tây Nam Bộ, Trung - Hạ Lào… nhằm ứng phó kịp thời giặc Pháp bắt đầu gây hấn vào ngày 23-9-1945 hòng chiếm lại toàn cõi Đông Dương làm thuộc địa.
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Chánh được bổ nhiệm làm Chính ủy và tham gia Thường vụ Liên khu ủy Liên khu 5.
Năm 1949, các đồng chí Phạm Văn Đồng và Nguyễn Duy Trinh lần lượt được rút về Trung ương, Nguyễn Chánh được chỉ định làm Bí thư Liên khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5. Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bác Hồ rất quan tâm bồi dưỡng năng lực cho Nguyễn Chánh, đã triệu tập ông dự Tổng kết Chiến dịch Biên Giới năm 1950, tham gia Đảng ủy các Chiến dịch Đường 18, Trung Du và giao đảm nhiệm cương vị Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Năm 1951, dẫn đầu đoàn đại biểu Liên khu 5 dự Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đảng, Nguyễn Chánh trở thành Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương. Quân ủy Trung ương và Bác Hồ có ý định giữ Nguyễn Chánh ở lại làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thay đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Nhưng xuất phát từ yêu cầu của chiến trường và thực tế tình hình, Nguyễn Chánh được Trung ương điều trở lại Liên khu 5. Trước khi lên đường, Bác Hồ trực tiếp căn dặn ông: “Làm cách mạng là luôn luôn phải học tập; có ai sinh ra để làm Trung ương đâu. Chú cứ an tâm. Đại hội tín nhiệm bầu chú vào Ban Chấp hành Trung ương là có cân nhắc. Chú về trong đó cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình. Các đồng chí và Bác luôn luôn theo dõi và giúp chú”.
Ở tuổi 37, trở lại chiến trường, Nguyễn Chánh được tín nhiệm cao, bầu làm Bí thư Liên khu ủy, Chính ủy, kiêm Tư lệnh Liên khu 5. Và ông đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Chánh, mặc dù ở xa Trung ương, bị bao vây bốn mặt, nhưng Vùng tự do Liên khu 5 đã được giữ vững, tồn tại như “Một quốc gia thu nhỏ” mọi mặt của đời sống xã hội được phát triển đồng đều.
Nguyễn Chánh không chỉ giỏi trong lãnh đạo, chỉ đạo, mà ông còn có khả năng về văn chương. Nhiều văn nghệ sĩ, khi được đối thoại, trò chuyện cùng Nguyễn Chánh, ai cũng ngạc nhiên, thích thú đến bất ngờ trước những hiểu biết rất sâu sắc của ông về văn hóa nghệ thuật. Có không ít người được ông gợi ý về phương hướng, nội dung, hoặc tham gia ý kiến đã có những sáng tác thành công như các nhà văn: Nguyễn Văn Bổng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung; các nhà thơ: Tế Hanh, Nguyễn Viết Lãm, Lưu Trùng Dương; các nhạc sĩ: Vân Đông, Dương Minh Viên, Phan Huỳnh Điểu, Đức Tùng, Nhật Lai, Vĩnh An; các nhà hoạt động sân khấu như: Hoàng Châu Ký, Nguyễn Tường Nhẫn, Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Lệ Thi… Khi nói về Nguyễn Chánh, họ đều có chung cảm nhận: "Anh Chánh, một tâm hồn nghệ sĩ trong một vị tướng thao lược...".
HỒ NGỌC SƠN
Nguồn: Báo QĐND
Bài 3: Danh tướng tài đức song toàn