(Báo Quảng Ngãi)- Trong 3 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh ta đã đi vào nền nếp. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã vận dụng sáng tạo những mô hình, cách làm hay và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Không những vậy, phong trào học Bác còn gắn kết với nhiều phong trào, cuộc vận động lớn đang triển khai đã góp phần đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng có sức lan tỏa và đi vào chiều sâu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ 1: Nhân cái đẹp
|
Gương sáng giữa đời thường
“Tôi xúc động được biết trong cơn bão số 15 vừa qua, mặc dù đã có tuổi, các ông vẫn tích cực đi đầu cùng một số người không quản ngại nguy hiểm, vượt qua lũ dữ trong đêm tối, trên chiếc ghe nhỏ của gia đình, cứu hàng trăm người đến nơi an toàn, tránh được tổn thất sinh mạng trước thiên tai tàn khốc. Việc làm của các ông thể hiện sinh động phẩm chất hy sinh cao cả, tấm lòng nhân ái "thương người như thể thương thân" của người Việt Nam ta. Tôi nhiệt liệt biểu dương hành động dũng cảm quên mình của các ông;… mong các ông cùng bà con, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đùm bọc lẫn nhau, nhanh chóng khắc phục khó khăn, mất mát, ổn định cuộc sống và tiếp tục đoàn kết vươn lên xây dựng quê hương mình ngày càng giàu mạnh". Đây là nguyên văn bức thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi hai nông dân Hồ Sở và Phan Thuận ở thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) đã dũng cảm vượt qua hiểm nguy, lao vào dòng lũ dữ cứu gần 250 người dân đến nơi an toàn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ 2 từ phải qua) gặp gỡ với hai nông dân Hồ Sở và Phan Thuận trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ngãi. Ảnh: X.THIÊN |
Hơn nửa năm đã trôi qua, nhưng việc làm của hai nông dân chân lấm tay bùn vẫn được người dân cả nước nhắc đến với cả lòng khâm phục, quý mến. Mặc dù đã “nổi tiếng” là vậy nhưng cái tính chân chất, thật thà của người nông dân sống bên dòng sông Vệ vẫn nguyên vẹn. Ông Hồ Sở chia sẻ, hàng xóm với nhau quý ở chỗ cái nghĩa, cái tình, chứ so đo thiệt hơn làm chi. Vì thế, khi lũ tràn về, anh em trong đội tự nguyện bơi thuyền đi cứu người đến nơi an toàn, không để một ai phải chết vì nước lũ. Ông Sở, nói: “Lúc đó, tôi nghĩ tính mạng con người là quan trọng nhất nên phải làm chứ đâu nghĩ được khen ngợi gì đâu…
Nhưng rồi, sau đó tôi được Chủ tịch nước khen, rồi tặng Huân chương Dũng cảm. Các con tôi thì được Tỉnh đoàn Quảng Ngãi trao tặng Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm. Bản thân và gia đình vinh dự lắm và nguyện phải sống tốt hơn, làm nhiều việc có ích với quê hương, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch nước”. Còn ông Phan Thuận thì bày tỏ: “Khi nghe được tin Chủ tịch nước gửi thư khen, mấy đêm liền tôi không ngủ được vì hạnh phúc quá. Tôi sẽ giữ bức thư của Chủ tịch nước như một kỷ vật vô giá của gia đình mình và lấy đó để giáo dục cho con, cháu biết sống, biết trân trọng đạo lý ở đời…”.
Cùng với các thành viên trong đội cứu hộ, cứu nạn xã Hành Tín Tây, hai nông dân Hồ Sở và Phan Thuận còn là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác đã và đang được nhân rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Chính hành động dũng cảm, quên mình cứu giúp hàng trăm người thoát khỏi cái chết do thảm họa thiên tai gây ra của hai ông đã mang lại niềm hy vọng, tin tưởng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn trong thiên tai bão tố.
Sống vì cộng đồng
Được thành lập vào năm 2013, Câu lạc bộ “Những người con hiếu thảo” của Đoàn xã Bình Trung (Bình Sơn), gồm 27 thành viên. Dù công việc khác nhau, người làm giáo viên, người làm kế toán cho HTX, doanh nghiệp... nhưng tất cả đều có chung một nhiệm vụ là lo cơm trưa và tối cho 4 cụ già neo đơn trong xã vào 11 giờ trưa và 18 giờ tối hằng ngày. Để có được những suất cơm nóng hổi mang đến cho các cụ, Đoàn xã Bình Trung đã chủ động liên hệ với các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thị trấn Châu Ổ và vận động mọi người tham gia đóng góp.
Anh Đặng Minh Thảo - Phó Bí thư Tỉnh đoàn trao giấy khen cho các bạn TNTN Ngân hàng máu sống Tương lai xanh. Ảnh: NG.TRIỀU |
Các quán ăn chỉ cần bớt đi dăm chén cơm, vài miếng thịt, còn thành viên CLB thì chịu khó bớt chút thời gian, công sức, chi phí xăng xe… vậy là mọi người có thể giải tỏa được gánh lo về bữa cơm cho các cụ già không còn khả năng lao động. Không chỉ đưa cơm đến rồi đi, 27 “người con hiếu thảo” này còn kiêm luôn nhiệm vụ “bảo mẫu”. Thấy cụ nào bị cảm hay đau lưng nhức mỏi mỗi khi trở trời là các bạn vội điện thoại cho Trạm y tế xã để y tá xuống tận nơi xem bệnh. Lu nước vơi, đã có các con đổ đầy, mái nhà dột đã có người sửa cho. Căn nhà nhỏ neo người của mỗi cụ như rộn ràng hẳn lên kể từ khi có các thành viên CLB đến thăm nom, chăm sóc. “Phận con cháu, ai cũng muốn được phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ, ông bà mình. Vậy nên khi nhìn cảnh các cụ tuổi đã cao nhưng phải sống trong cô quạnh, chúng tôi mới nảy ra ý định thành lập CLB này để có thể góp chút sức giúp các cụ bớt hiu quạnh trong những năm tháng cuối đời”, anh Trần Ngọc Sinh - Bí thư Đoàn xã Bình Trung và cũng là Chủ nhiệm CLB chia sẻ.
Với thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", 2 năm qua CLB Ngân hàng máu sống Tương lai xanh (được thành lập năm 2012) đã có trên 250 lượt tình nguyện viên tham gia các đợt hiến máu tình nguyện định kỳ thường xuyên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và gần 70 lượt tình nguyện viên tham gia hiến máu sống trực tiếp cứu người. Với trái tim yêu thương, họ sẵn sàng sẻ chia giọt máu hồng để mang lại sự hồi sinh, nụ cười cho nhiều bệnh nhân. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 22 tình nguyện viên của CLB trực tiếp hiến máu cấp cứu người bệnh kịp thời.
Nhờ có ngân hàng máu sống này mà đã có hàng trăm đơn vị máu được tiếp kịp thời đến các bệnh nhân, giúp họ vượt qua cơn nguy kịch, đặc biệt là những bệnh nhân phải phẫu thuật nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Sinh viên Đặng Xuân Kỳ - người đã nhiều lần tham gia trực tiếp hiến máu cứu những bệnh nhân thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" quan niệm rằng: “Khi biết được giọt máu của mình đang góp phần mang lại một phần sự sống cho các bệnh nhân và khi thấy nụ cười nở lại trên môi của những mảnh đời bất hạnh, mình thực sự rất vui và hạnh phúc. Mình tự hào về những gì đã làm và đó cũng là động lực lớn nhất để mình và các bạn trong CLB tiếp tục con đường này. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, mình sẵn sàng có mặt khi người bệnh cần”.
Có thể nói rằng, những tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đều có điểm chung là đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, luôn sống vì cộng đồng. Đây cũng chính là đức tính cao đẹp tỏa sáng từ tấm gương đạo đức của Bác Hồ được người dân Quảng Ngãi học tập một cách chân thành, bình dị nhất.
Thanh Thuận
*Kỳ 2: Sáng tạo từ những mô hình làm theo Bác