(Baoquangngai.vn)-
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
[links()]
Dự kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương; các ĐBQH tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tham gia đóng góp ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, tại điểm cầu Quảng Ngãi, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để sớm hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển KT – XH.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương tán thành việc giao Chính phủ chỉ đạo thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai dự án.
Theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, trong thời gian qua, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Do đó, để đảm bảo trong cuối năm 2025 cơ bản hoàn thành dự án, thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là yếu tố then chốt.
Để làm tốt nội dung trên, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Chính phủ, trong công tác chuẩn bị phải chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư, các địa phương có dự án đi qua, các đơn vị liên quan thực hiện việc thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để thực hiện dự án bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng để mất cán bộ do sai phạm sau khi hoàn thành dự án.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận |
Trong việc khắc phục các vấn đề sau khi hoàn thành dự án như: Khắc phục hư hỏng, sụt lún nhà ở; ngập úng đồng ruộng; hoàn trả các tuyến đường bị hư hỏng do phục vụ thi công. Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nhận định, đây cũng là một yếu tố quan trọng để tạo niềm tin, đồng thuận của nhân dân trong việc tiếp tục ủng hộ thực hiện các dự án cao tốc trong thời gian tới theo nghị quyết này.
Thực tế thời gian qua, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã hoàn thành, chính thức thông xe và đưa vào khai thác ngày 2/9/2018 đã góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên. Trong quá trình triển khai dự án, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất; đồng thời, vận động nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và được người dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành, việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hư hỏng do phục vụ thi công vẫn chưa được thực hiện. Tỉnh, cử tri và đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm việc với các nhà thầu thi công để khẩn trương khắc phục, nhưng đến nay, vẫn chưa xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.
" Việc Bộ GTVT chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại trên sẽ góp phần tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân Quảng Ngãi và các tỉnh trong vùng dự án trong việc triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông trong thời gian đến”, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương góp ý.
Các đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu Quảng Ngãi |
Đối với thời gian hoàn thành dự án, quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án cần khoảng 3 năm là áp lực rất lớn đối với các cấp trong đó có nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư của địa phương. Từ thực tế thực hiện giai đoạn 2017 - 2020 và đề xuất của địa phương, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị nên tách tiểu dự án thành phần giải phóng mặt bằng để giao địa phương chủ động thực hiện trước, rút ngắn được thời gian thi công dự án.
Về tính kết nối của dự án, bên cạnh giải quyết về rút ngắn thời gian, nâng cao năng lực vận chuyển thì yêu cầu tính kết nối giữa dự án với các tuyến đường bộ cao tốc khác và các tuyến Quốc lộ trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đặc biệt là việc kết nối cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics... là hết sức quan trọng để phát huy hiệu tổng hợp kết cấu hạ tầng KT - XH của cả nước, vùng và liên vùng.
"Thực tế là, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã hoàn thành, nhưng đoạn TP.Quảng Ngãi lên cao tốc theo Quốc lộ 24B, đường kết nối đến Khu kinh tế Dung Quất, Khu Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi lên cao tốc tại nút giao thông Trị Bình chưa làm xong, làm giảm tính hiệu quả đầu tư của dự án. Đồng thời, cần tính toán, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết nối dân sinh hai bên đường cao tốc (hệ thống đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang…) để tạo điều kiện thuận lợi kết nối dân sinh, lưu thông, lao động sản xuất an toàn. Tính toán đến việc bố trí tái định cư, khai thác quỹ đất và phát triển du lịch ven biển,... để tạo sự lan tỏa của dự án", đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương góp ý.
Trước đó, trong phiên họp sáng nay (10/1), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu biểu bày tỏ thống nhất cao về phạm vi sửa đổi những vấn đề cấp thiết tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc, giải pháp kích thích, phục hồi phát triển KT -XH sau đại dịch. Song cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định để kịp thời sửa đổi một cách đầy đủ, toàn diện; cân nhắc việc lạm dụng kỹ thuật lập pháp một luật sửa nhiều luật ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật...
Tin, ảnh:
H.P